Phú Thọ: Triển vọng từ mô hình sáng tạo sản xuất trà diếp cá của đoàn viên thanh niên
Trong năm 2023, BTV Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quy trình các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho ĐVTN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vay vốn khởi nghiệp. Thông qua chương hỗ trợ vay vốn đã phát huy vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. BTV Tỉnh đoàn xác định công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trong tâm của chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Dự án “Mở rộng xưởng, mua máy móc sản xuất Trà diếp cá” của đồng chí Lê Thị Diệp Anh đoàn viên Khu Đồng Tiến, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê được BTV Tỉnh đoàn duyệt vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn, kết hợp với nguồn vốn tự có của gia đình, đã mở rộng đầu tư xưởng sản xuất, chế biến trà diếp cá với tổng diện tích cơ sở sản xuất khoảng 200m2, diện tích vùng nguyên liệu liên kết khoảng hơn 2ha mang lại cho gia đình mức thu nhập khoảng 50% trên tổng lợi nhuận thu được. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 05 lao động, thu nhập trung bình vào khoảng 04-05 triệu/01 lao động/ tháng. Đặc biệt, với thiết bị máy móc hiện đại, chị Diệp Anh đã áp dụng những công thức sáng tạo mới trong sản xuất trà, chị Diệp Anh đã tận dụng công nghệ sấy lạnh kết hợp với sấy lò hơi ở nhiệt độ thấp theo một kỹ thuật, quy trình riêng, kết hợp với lá dứa nếp và một số thảo dược đã tạo ra hương trà thơm nức, màu trà, vị trà có sự riêng biệt khó lẫn với trà diếp cá trên thị trường.
(Mô hình/dự án sản xuất Trà diếp cá của đồng chí Lê Thị Diệp Anh, Khu Đồng Tiến, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê)
Bên cạnh hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm, BTV Tỉnh đoàn đã tư vấn chất lượng sản phẩm, xây dựng bao bì sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, liên kết giới thiệu sản phẩm đến các siêu thị, cửa hàng trong toàn tỉnh để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho dự án.
Các mô hình, dự án được hỗ trợ giúp cho thanh niên nắm được chủ trương phát triển kinh tế của địa phương. Ý thức học nghề tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng năng suất lao động, tiếp cận được thông tin, kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất. Từ đó, giúp ĐVTN làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hoàng Long – Ban Phong trào Tỉnh đoàn