Xây dựng Đảng vững mạnh là điều kiện tiên quyết phòng, chống tham nhũng, chống “diễn biến hòa bình”
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân là điều kiện tiên quyết phòng, chống tham nhũng, diễn biến hòa bình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Công cuộc “Đổi mới” đất nước do Đảng ta lãnh đạo nhiều năm qua đã đạt những thành tựu to lớn không thể phủ nhận, được nhân dân tin tưởng, bè bạn quốc tế thừa nhận và đánh giá rất cao. Tuy nhiên, với tâm địa đen tối, cái nhìn hằn học, các thế lực thù địch vẫn đang ra sức xuyên tạc cho rằng: Đảng, Nhà nước đấu tranh phòng, chống tham nhũng “thực chất chỉ là cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực”. Rằng: “… việc xây dựng Đảng chỉ là kiểu “giật gấu vá vai”. Tình trạng này tất yếu sẽ khiến Đảng đổ vỡ và tan rã”… Đây là những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc hết sức nguy hiểm hòng chia rẽ Đảng với nhân dân, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
1. Từ các bài học thực tiễn trong các cuộc đấu tranh cách mạng từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta quyết tâm “Đổi mới” với phương châm xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng và có ý nghĩa sống còn với chế độ ta. Việc xử lý cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước vi phạm pháp luật là một công việc bình thường trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vậy mà, trong thời gian qua, mỗi khi Đảng ta kỷ luật cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật, một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam và các trang mạng xã hội phản động, nhất là tổ chức Việt Tân luôn xuyên tạc rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam là “thanh trừng phe phái” hay “tính hiệu quả không thể cao khi người dân đứng ngoài cuộc chiến chống suy thoái”. Họ cho rằng việc xử lý cán bộ vi phạm để “tăng cường quyền lực cho khối nội chính, tuyệt đối hóa quyền lực của Đảng”… Khi Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII diễn ra, họ lại có động thái bôi lem, vấy bẩn danh dự của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Còn nhớ, ngày 19-8-1989, khi chúng ta đã bước vào công cuộc “Đổi mới”, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác Hồ kính yêu qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 151-TB/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký, thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời. Khi đọc lại một số đoạn Di chúc Bác viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn mà trước đây chưa công bố, chúng ta càng thêm kính yêu, khâm phục tầm nhìn sâu rộng và trí tuệ mẫn tiệp của Người và thấy như có lỗi với Bác vì “chưa thực hiện thật tốt” những điều Người căn dặn. Bác viết: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi… Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
2. Để thực hiện những điều căn dặn của Bác về xây dựng Đảng viết trong Di chúc “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, Đảng ta đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đảng ta luôn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc đến nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Từ đó, Trung ương yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có thể thấy, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguy cơ liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những hành vi tham nhũng, tiêu cực không còn là một khái niệm trừu tượng mà đã biểu hiện rất cụ thể trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cấp cao. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Đảng cũng nhấn mạnh: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.
3. Vậy, vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Thực tế cho thấy, sở dĩ có tình trạng đó xảy ra là do một bộ phận cán bộ, đảng viên không tích cực học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ đã phai nhạt về lý tưởng, dao động mục tiêu và con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc, phủ nhận các thành quả cách mạng và giá trị truyền thống của dân tộc. Từ đó phát ngôn và hành động không theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Từ đó lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời không kiên quyết phê phán, đấu tranh với những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc lịch sử, thực tế đất nước, bôi nhọ Đảng, chế độ, chia rẽ niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi… Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong suốt mấy chục năm qua về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra những chủ trương và giải pháp quan trọng nhằm củng cố, kiện toàn và làm trong sạch bộ máy nhà nước. Trong đó coi trọng công tác tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, củng cố sự đoàn kết thống nhất nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; khắc phục những yếu kém trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân là điều kiện tiên quyết phòng, chống tham nhũng, diễn biến hòa bình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Sưu tầm