Tiếp tục khái quát hệ thống lý luận về đường lối đổi mới

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, tổng kết lần này sẽ tập trung chủ yếu vào 10 năm gần đây để khái quát, đánh giá chung, rút ra những bài học kinh nghiệm cho cả quá trình 40 năm đổi mới; đồng thời, nhận diện những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Sáng 15/4, Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tham dự Phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo…

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, theo lộ trình, chúng ta cần hoàn thiện Đề cương này cùng với Đề cương chi tiết Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV, để trình Hội nghị Trung ương dự kiến họp vào tháng 5 tới. Vì thời gian gấp nên các đồng chí trong Ban Chỉ đạo cần tập trung trí tuệ góp ý trên cơ sở nội dung Đề cương chi tiết. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, lần tổng kết này chúng ta nhìn lại cả quá trình 40 năm đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta đã có các lần tổng kết trước, nhất là tổng kết 30 năm gần đây. Vì thế, để tránh dàn trải, Phiên họp chỉ tập trung vào một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng và lựa chọn một số bộ, ngành và địa phương để khảo sát tổng kết. Trong đó, Bộ Chính trị đã xác định khung nội dung 8 vấn đề định hướng tổng kết.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng giới thiệu Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới. 

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, tổng kết lần này sẽ tập trung chủ yếu vào 10 năm gần đây để khái quát, đánh giá chung, rút ra những bài học kinh nghiệm cho cả quá trình 40 năm đổi mới; đồng thời, nhận diện những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta kế thừa các kết quả của các lần tổng kết trước, những nhận thức mới có thể bổ sung, từ đó có những nhận thức, đánh giá chung cho cả quá trình 40 năm đổi mới.

Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, lần tổng kết 40 năm đổi mới này rất có ý nghĩa, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo: “Đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một số bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”. Do vậy, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị trong tổng kết, đánh giá, cần có khái quát hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; cần có những đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng giải pháp cho giai đoạn tới và đặc biệt quan trọng là cần có những đề xuất, kiến nghị góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng tới đây.

Sau phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai, đồng chí Tạ Ngọc Tấn đã báo cáo cụ thể tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã thành lập 6 nhóm tổng kết ở Trung ương, mỗi nhóm do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng nhóm, có 1 đến 3 phó trưởng nhóm, một số đồng chí thư ký của nhóm.

Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. 

Sau khi thành lập, các nhóm đã chủ động triển khai phân công, phân nhiệm, thống nhất lề lối làm việc, giao các chuyên đề tổng kết có địa chỉ cụ thể, lựa chọn các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín thực hiện. Đến tháng 12/2023, đã hoàn thành việc nghiệm thu 47/47 chuyên đề tổng kết của các nhóm. Các công việc cơ bản bám sát kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo tổng kết thông qua. Các chuyên đề thuộc các nhóm nhìn chung bảo đảm chất lượng.

Về khảo sát thực tế trong nước, các địa phương và các bộ ngành trong diện tham gia tổng kết đã gửi Báo cáo về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Các nhóm đã hoàn thành kế hoạch khảo sát tại các địa phương trong năm 2023. Nhìn chung các cuộc khảo sát diễn ra theo kế hoạch, thành phần và có chất lượng tốt. Các nhóm đều có báo cáo đánh giá kết quả khảo sát theo đúng quy định.

Tại Phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã giới thiệu Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới. Các đại biểu tại Phiên họp tập trung cao, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể và có giá trị vào Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới. Đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao sự chuẩn bị Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam của Tổ Biên tập cũng như sự chủ động, kịp thời của Hội đồng Lý luận Trung ương – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments