Thạc sĩ trẻ đam mê phát triển nông nghiệp quê hương
Đặng Dương Minh Hoàng, một du học sinh Pháp, đã quyết định trở về để phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững cho quê hương mình.
Đặng Dương Minh Hoàng là Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc. Anh được đề cử vào giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 lĩnh vực Lao động sản xuất nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số.
Trong buổi trao đổi với độc giả, Đặng Dương Minh Hoàng đã kể về câu chuyện số hóa canh tác nông nghiệp, khi HTX của anh tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một nhật ký điện tử… Những kinh nghiệm mà anh Hoàng chia sẻ sẽ là bài học giá trị cho những bạn trẻ trên hành trình chuyển đổi số sản xuất nông nghiệp.
Nhiều người rất ngạc nhiên khi mà biết anh từng du học nhiều năm ở nước ngoài, nhưng mà cuối cùng anh lại chọn về nước, về với mảnh đất quê hương của mình để làm nông nghiệp. Đâu là động lực đưa anh đến quyết định này?
Minh Hoàng: Thực tế Hoàng xuất thân từ một gia đình nhà nông tại Bình Phước, tỉnh mà có tiềm năng rất lớn về mặt nông nghiệp. Ngay từ nhỏ Hoàng đã thấy gia đình mình và những người xung quanh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Làm nông nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Đó cũng là động lực để hoàng quyết tâm học tập để vào được trường chuyên Quang Trung tại Bình Phước, sau đó là nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô nên Hoàng đã thi đỗ được vào Đại học Bách khoa, may mắn giành được suất học bổng qua Pháp.
Tại Pháp, Hoàng học về chuyên ngành tự động hóa và được tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tự động hóa. Bên cạnh đó trong quá trình trải nghiệm tại Pháp, Hoàng thấy rằng mặc dù nước Việt Nam hơn 65% dân số ở nông thôn và đa số làm nông nghiệp nhưng hầu như các thương hiệu Việt Nam tại thị trường châu Âu rất là hiếm, không có nhiều sản phẩm Việt Nam tại các chợ, các siêu thị ở châu Âu. Từ đó càng thôi thúc Hoàng với suy nghĩ nếu thế hệ trẻ chúng ta không làm thì làm sao Việt Nam chúng ta mới có thể sánh ngang với các cường quốc năm châu được như lời bác Hồ đã có căn dặn.
Hoàng may mắn được tiếp cận với nhiều các bạn khởi nghiệp, các nhân sự tri thức và có đủ thời gian ở nước ngoài để làm việc, tích lũy đủ kinh nghiệm, khả năng, tri thức từ các người thầy cô của mình, và cũng có nhiều cơ duyên với mảnh đất Bình Phước nên Hoàng đã quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Hoàng đã cùng với bà con nông dân Bình Phước cùng nhau xây dựng thương hiệu từ những đặc sản địa phương, từ những cây ăn trái như cây bơ là cây bản địa của tỉnh, mình đã xây dựng được thương hiệu Bơ Ông Hoàng. Hiện mình đang cùng bà con xây dựng thêm thương hiệu sầu riêng Gia Bảo, sầu riêng cũng là một cây thế mạnh của tỉnh Bình Phước, cùng bà con xây dựng vùng trồng, tư vấn sử dụng thương hiệu, tiếp cận thị trường quốc tế. Với phương châm “Muốn đi xa thì đi cùng nhau.”
Anh Hoàng làm nông nghiệp, nhưng là nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ vào trong canh tác. Trong những năm qua anh đã số hóa lĩnh vực canh tác và sản xuất nông nghiệp của mình như thế nào?
Minh Hoàng: Trong HTX của Hoàng tại Bình Phước, các thành viên đang số hóa từng cây, mỗi cây là một trang web, một nhật ký điện tử. Khi người tiêu dùng mua một quả bơ thông qua mã QR có thể truy xuất thông tin được ngày tưới nước, ngày bón phân, ngày thu hoạch, vận chuyển bằng phương tiện gì theo phương châm “Từ trang trại đến bàn ăn”. Trong quá trình vận chuyển ví dụ như từ Bình Phước đến TP.HCM, khi nông sản mới đến Bình Dương cũng cập nhập liên tục lên nhật ký điện tử là “Đã đến Bình Dương” để khách hàng có thông tin minh bạch, truy xuất đến từng trái bơ, từng trái sầu riêng của các thành viên trong HTX.
Bên cạnh đó Hoàng còn kết hợp các nền tảng ví dụ như là IOT (hệ thống tưới tiêu tự động), sử dụng hệ thống tự động để tưới từng gốc cây trong vườn dựa trên cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, độ PH, ánh sáng, giống như là những cơ quan khứu giác, vị giác của con người và đưa lên server, phân tích và đưa ra những hành động phù hợp đến những van điện từ đóng vai trò như tay chân của con người, cung cấp lượng nước, lượng phân phù hợp đến từng gốc cây. Hoàng cũng sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái để chủ động trong tưới tiêu, đảm bảo hiệu điện thế cấp cho từng thiết bị trong trang trại luôn là 220V, tránh hiện tượng sụt áp. Ngoài ra lượng điện năng dư có thể bán cho Điện lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hoàng cũng phát triển marketing trên mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử.
Nhờ vào việc chuyển đối số trong sản xuất nông nghiệp thì anh đã gặt hái được rất nhiều thành quả. Vậy anh đã giúp gì được cho người dân địa phương của mình?
Minh Hoàng: Hoàng đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Phước đã thực hiện nhiều “chuyến xe tri thức” để chuyển giao công nghệ, đặc biệt là nhật ký điện tử cho nhiều bạn thanh niên khởi nghiệp tỉnh nhà. Trong thời gian tới Hoàng cùng với Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước và thạc sĩ Hoàng Sơn Công, người rất giỏi trong lĩnh vực IMO sẽ kết hợp làm dự án tận dụng các phế phẩm từ quả điều. Bình Phước rất nổi tiếng với hạt điều, bây giờ từ một quả điều mình sẽ tái chế làm rượu vang, tận dụng quả điều làm phân bón cho cây, kích thích ra hoa, dưỡng cây cũng như tận dụng quả điều để làm thuốc diệt cỏ sinh học, thay vì bà con sử dụng chất cấm thì có thể sử dụng thuốc diệt cỏ sinh học từ quả điều. Tất nhiên sản phẩm này sẽ phải có giấy chứng nhận từ Sở khoa học công nghệ Bình Phước.
Với vai trò là chủ nhiệm Mạng lưới Lương Đình Của toàn quốc, Hoàng cùng anh chị em trong mạng lưới trên 63 tỉnh thành, đặc biệt là nhiều nông dân trẻ xuất sắc đã tổ chức nhiều diễn đàn tại nhiều trường học lớn như ĐH Bách Khoa, ĐH Thủ Dầu Một để tổ chức những chương trình truyền lửa, chuyển giao những công nghệ cũng như chia sẻ tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của toàn bộ anh chị em trong mạng lưới trên toàn quốc.
Trong tuần này Hoàng cùng với các anh chị em sẽ tổ chức gặp một số đại sứ của Việt Nam tại 26 quốc gia để kết nối cung cầu. Qua đó giúp đưa sản phẩm của các anh chị em trong Mạng lưới Lương Đình Của toàn quốc có thể xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.
Hành trình mang lại giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông sản địa phương chắc chắn không hề dễ dàng và nhiều thử thách. Xin anh chia sẻ anh đã gặp phải những khó khăn nào?
Minh Hoàng: Thực tế Hoàng cũng đã có kinh nghiệm quản lý dự án tại một số tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong thời gian mình du học và làm việc tại Pháp và một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia hay Singapore, thực tế việc quản lý trang trại hơi khác một chút, đặc biệt là quản lý những lao động phổ thông, đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc đầu cũng có một số khó khăn nhất định, khi mình điều hành, quản lý dự án, các tập đoàn mình có thể sử dụng các tiêu chuẩn để áp dụng vào trong trang trại để làm sao trang trại đủ tiêu chuẩn xanh, sạch. Nhưng khi sử dụng các lao động phổ thông, mình cũng cần phải hiểu họ, hiểu văn hóa tập tục bản địa để từ đó áp dụng sáng kiến, tạo ra các mô hình sinh kế bền vững để từ đó Hoàng cùng với họ cùng nhau gây dựng HTX. Hoàng đầu tư vốn cho họ 50% để xây lán, để nuôi dê, các lao động dân tộc thiểu số sẽ cùng Hoàng góp phần thu nhập của họ vào 50% con bò con dê của họ. Từ đó tạo nên sinh kế bền vững, họ có nguồn thu nhập ổn định hơn từ nông nghiệp, Hoàng có nguồn cung cấp phân ủ để bón cho cây trồng trong trang trại tạo thành mô hình tuần hoàn.
Thực tế chúng ta có áp dụng công nghệ số như nào đi nữa thì cũng sẽ gặp một số khó khăn do biến đổi khí hậu. Bản thân Hoàng khi gặp một số biến đổi khí hậu rất khó có thể giải quyết. Ví dụ như trong mùa vụ năm nay Bình Phước gặp rất nhiều cơn mưa trái mùa, khi mưa nhiều như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng rụng bông ở những cây ăn trái. Các cây công nghiệp như cây điều cũng gặp phải hiện tượng sương muối, khô bông hại cây trồng. Từ đó Hoàng cũng phải có những biện pháp để hạn chế những rủi ro đó ví dụ như: lắp các xe phun trong vườn, khi vừa mới mưa xong mình dùng các xe phun này để rửa bông ngay trong buổi sáng sớm khi mặt trời vừa ló lên để giảm thiệt hại do những cơn mưa trái mùa gây ra. Thực tế luôn có nhiều khó khăn nhưng Hoàng tin rằng chính những khó khăn thất bại trong công việc đã rèn giũa được bản lĩnh của mình, thôi thúc Hoàng và thanh niên trong trang trại, lao động thiểu số sẽ có động lực để thành công nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Là một người trẻ anh mạnh dạn đưa công nghệ vào trong nông nghiệp. Theo anh việc chuyển đổi số quyết định như thế nào đối với người trẻ hiện nay?
Minh Hoàng: Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giá trị luôn là một thực trạng nhức nhối trong nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy bên cạnh việc mình chú trọng chế biến sâu và thị trường nội địa thì chuyển đổi số là một nhiệm vụ cốt lõi của nền nông nghiệp nước nhà. Chuyển đổi số giúp nông dân tăng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kết nối cung-cầu, minh bạch hóa thông tin về sản phẩm của mình. Thực tế, chuyển đổi số là “một chuyến tàu không thể lỡ”.
Xu hướng nông nghiệp hữu cơ, xu hướng ăn sạch hiện nay đang rất phổ biến, ai cũng có nhu cầu ăn thực phẩm sạch. Nhưng nếu chúng ta làm những sản phẩm này không ứng dụng nông nghiệp số thì chúng ta mất đi sự kết nối với những người thu mua, những người tiêu dùng, không xây dựng được niềm tin vào sản phẩm, không xây dựng được thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Chính công nghệ số đã giúp Hoàng minh bạch hóa được sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Quan trọng hơn là khi xuất khẩu các mặt hàng sang nước ngoài phải có nhật ký điện tử để đảm bảo quy trình sản xuất xuyên suốt, được giám sát đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, từ đó nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bản thân là giám đốc một hợp tác xã đang ứng dụng chuyển đổi số, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để các thanh niên nông thôn có thể ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả?
Minh Hoàng: Thứ nhất muốn làm gì đó chúng ta phải có niềm đam mê, yêu thiên nhiên, thuận theo tự nhiên để tránh biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ được thiên nhiên ưu đãi và chắc chắn sẽ tạo ra được môi trường thân thiện, sạch đẹp, gần gũi với người lao động. Đó là giá trị không thể nào đong đếm được. Thước đo nào chúng ta có thể biết được chúng ta đang hòa thuận với thiên nhiên, rõ ràng là thông qua các công cụ số. Để biết được nhiệt độ này, hay chất đất này có phù hợp với cây trồng không và độ pH có quá thấp hay quá cao không, chúng ta phải dùng những công cụ công nghệ để đo, từ đó chúng ta canh tác làm sao để thuận theo tự nhiên. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải có nhật ký canh tác, nhật ký quy trình sản xuất.
Thứ hai chúng ta phải kiên định với sản xuất hữu cơ, với nông sản sạch để cuối cùng Việt Nam chúng ta có những thương hiệu quốc gia đặc biệt là trong nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm vươn lên tầm quốc tế.
Đó là điều Hoàng muốn nhắn gửi đến các bạn thanh niên nông thôn. Nông nghiệp số nghe có vẻ cao xa nhưng thực tế nó là cách để đo được tự nhiên, để sản xuất sao cho phù hợp, là ghi lại nhật ký canh tác trên điện tử để người khác biết ta đang làm gì. Đó là một sự chuyển đổi, một tư duy sáng tạo trong ngành nông nghiệp.
Sưu tầm