Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình khoa học có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua.
Cuốn sách thể hiện tinh thần nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó góp phần định hướng, đưa ra nhiều giải pháp có giá trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngay khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, thông qua mạng Internet, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, zalo, blog, telegram, twitter…, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách nhằm phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái này góp phần khẳng định ý nghĩa và giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sách được kết cấu làm 3 phần, với 623 trang và gần 100 bức ảnh. Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, gồm bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo. Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên – căn nguyên, cái gốc, cái cơ bản cần phải phòng ngừa. Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tập hợp những ý kiến, đánh giá thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của đại biểu Quốc hội và sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận giá trị cuốn sách
Thời gian qua, khi các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức hội thảo, tọa đàm và triển khai quán triệt những nội dung cốt lõi của cuốn sách của Tổng Bí thư thì mạng xã hội xuất hiện không ít luận điệu xuyên tạc, phản động. Đó không chỉ là những ý kiến bẻ cong sự thật mà còn bịa đặt, phủ nhận giá trị và ý nghĩa cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị bôi đen sự thật về việc xuất bản cuốn sách này. Chúng còn tung ra các luận điệu như “cuốn sách không hề có ý nghĩa gì ngoài việc mang tính mị hoặc quần chúng nhân dân”; “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức”…
Mục đích của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị không chỉ nhằm phủ nhận giá trị lý luận, thực tiễn của cuốn sách, mà sâu xa hơn chúng muốn xuyên tạc, phủ nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta trong thời gian qua; phủ nhận những đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư; xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây hoang mang, dao động niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng và Nhà nước ta tiến hành.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị còn có mục đích tạo ra sự bài xích, gây hiềm khích, kích bác, tạo mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước; cản trở sự lan tỏa tầm ảnh hưởng, tiếng vang của cuốn sách trong xã hội; làm cho người dân nghi ngờ tính đúng đắn, giá trị, ý nghĩa của cuốn sách, dẫn đến thờ ơ, thiếu quan tâm, không muốn đọc cuốn sách, rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chúng cho rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta càng thành công bao nhiêu, có nghĩa là âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của chúng cũng thất bại bấy nhiêu. Vì lẽ đó, ngoài các chiêu trò chống phá Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay diễn ra trên mọi phương diện, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thì nay, mượn cớ cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư vừa được xuất bản để “té nước theo mưa”, thực hiện hành vi “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước và uy tín của đồng chí Tổng Bí thư; bêu xấu chủ trương, đường lối đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trực tiếp là hệ quan điểm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trình bày trong cuốn sách này. Đây vẫn là tích cũ chiêu trò mới nhằm “hả lòng hả dạ”, thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân và sự cuồng vọng của chúng.
Khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của cuốn sách
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo.
Về mặt lý luận: Cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, khoa học và làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng trong điều kiện mới.
V.I. Lênin thấy rõ rằng, tham nhũng, tiêu cực liên quan đến “sự tha hóa” của người có quyền lực và sử dụng quyền lực trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Đó chính là sự lạm quyền, là sự kém tu dưỡng, rèn luyện bản thân cán bộ, đảng viên, là sự thiếu kiểm soát, kiểm tra. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I. Lênin đã sớm phát hiện rằng: “Hiện giờ có ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào… kẻ thù thứ nhất – tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai – nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba – nạn hối lộ”. Người thẳng thắn chỉ ra rằng, thanh tra, kiểm tra sẽ góp phần đấu tranh “chống chủ nghĩa quan liêu, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến, nhằm phát hiện, lột mặt nạ và đuổi ra khỏi Đảng những kẻ lén lút chui vào Đảng”. Nhân việc Tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, V.I. Lênin viết thư gửi cho những người có trách nhiệm: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế thì đó là một việc xấu hổ cho những người cộng sản”; phải “lay động các tòa án nhân dân và dạy cho họ biết trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem xử bắn… nhanh chóng những kẻ lạm dụng chính sách kinh tế mới”; “đối với người cộng sản, phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài đảng”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi “ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân”, “lấy của công làm của tư”, “là gian lận, tham lam”, “là không tôn trọng của công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức – những người nắm chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ máy nhà nước, mà cả người dân bình thường, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” cũng là chủ thể của hành vi tham ô. “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Người nhấn mạnh: Nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì “nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta” và dù cố ý hay không nó cũng là “bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Theo Người, “chống tham ô là cách mạng”, “nếu tìm ra, điều tra ra những vụ tham ô, Đảng sẽ thẳng tay kỷ luật và Chính phủ sẽ thẳng tay trừng trị”. Người ví tẩy sạch nạn tham ô như tiêu diệt những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả hay muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong cuốn sách, Tổng Bí thư đã chỉ rõ tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Đặc biệt là phải làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới? Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng”; và “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, “Kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ”; mặc dù “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác. Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, đất nước, nhân dân”; để “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở thành phong trào, xu thế, không thể đảo ngược”; “Ai chả thích của, thích tiền, nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”,…
Về mặt thực tiễn: Cuốn sách đã khẳng định kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn đúng đắn, phù hợp.
Cuốn sách giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu đúng và đầy đủ hơn về chủ trương, đường lối, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống “giặc nội xâm”, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư trong cuộc chiến cam go này. Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những nghiên cứu về lý luận, những nội dung tổng kết từ thực tiễn, những bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra là cẩm nang để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách kiên quyết, kiên trì, cam go, quyết liệt nhưng không thể không làm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất để củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là công việc quan trọng vì nước, vì dân. Những trăn trở, tâm huyết, quyết tâm cũng như những gợi mở, định hướng của Tổng Bí thư trong Cuốn sách càng làm sinh động hơn, rõ nét hơn những nội dung trong Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đó chính là, việc “gắn bó chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”, “không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. “Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực”…
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục rêu rao những luận điệu phản động nhằm phủ nhận, xuyên tạc những kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần hiểu rõ giá trị của cuốn sách, xem đây là cơ sở khoa học để phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều kết quả hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh./.
Sưu tầm