Mỗi người dân Việt Nam luôn trân trọng những giá trị thiêng liêng của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”

(TG) – 79 năm qua kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024) , mỗi người dân Việt Nam đều thấu hiểu hơn sự khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (1); đồng thời cũng càng trân trọng hơn những thành quả của sự nghiệp cách mạng và giá trị thiêng liêng của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” mà nhân dân ta đã kiên cường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để giành được.

Tác phẩm ảnh : Cha con người Mông tại Sủng Là, Hà Giang dựng cờ tổ quốc để đón Tết cổ truyền của tác giả Dương Tiến Dũng (Bắc Giang) đạt giải Nhất ảnh đơn cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương”.

“ĐỘC LẬP- TỰ DO- HẠNH PHÚC” ĐƯỢC GHI DƯỚI QUỐC HIỆU CỦA NƯỚC VIỆT NAM TỪ 9/10/1945 ĐẾN NGÀY NAY

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” lần đầu tiên xuất hiện trong Sắc lệnh luật số 50 ngày 9/10/1945 (Sắc lệnh luật số 50). Văn bản luật ghi tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” dưới dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” này chính là sự lựa chọn, là sự khẳng định chính thức của một quốc gia có chủ quyền (đã tuyên bố trước thế giới và mọi người dân Việt Nam). 7 thập niên qua, tiêu ngữ này không hề thay đổi dù thể chế chính trị Việt Nam là “dân chủ cộng hòa” khi xưa hay “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” hiện nay, có chăng thì chỉ là sự nhận thức ngày càng sâu sắc hơn và quá trình thực hiện “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho các tầng lớp nhân dân ngày càng trọn vẹn, đầy đủ hơn mà thôi. Đây mới chính là sự thật, chứ không phải là “ở Việt Nam làm gì có Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” hay “người dân Việt Nam đâu có được Độc lập – Tự do – Hạnh phúc thực sự” như các thế lực thù địch suy diễn, kích động và xuyên tạc.

Thực tế, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là những quyền thiêng liêng của con người đã được khẳng định tại Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789; đồng thời cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh “suy rộng ra”, phát triển, khẳng định là quyền tự quyết của một dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam ngày 2/9/1945. Để có được sự khẳng định đó cũng như để tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” xuất hiện trong Sắc lệnh luật số 50, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua một hành trình đấu tranh đầy gian khổ theo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930) để lật đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Với mỗi người dân Việt Nam đã có hơn 80 năm trời đắm chìm trong đêm trường nô lệ, thì thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Tháng Tám năm 1945 và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” trở thành tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” không chỉ thiêng liêng, có ý nghĩa trọng đại, mà còn là sự khẳng định kết quả của sự đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, kiên tâm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho nên, dù ai nói ngả, nói nghiêng, bẻ cong sự thật thì tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” vẫn luôn được khẳng định; luôn là đích đến và được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam hết lòng, hết sức bảo vệ 7 thập niên qua chắc chắn không phải là “chỉ để mị dân” như các thế lực thù địch bịa đặt, mà đó chính là sự trân trọng, là biết ơn sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước; đồng thời ghi dấu một thành quả lớn lao của hành trình đấu tranh cách mạng hướng đến tương lai tươi sáng theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hơn nữa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc có mối quan hệ biện chứng với nhau. Tự do, Hạnh phúc trong một quốc gia độc lập không chỉ là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là khát khao ngàn đời của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Vì thế, với một đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên cường đấu tranh cách mạng để đưa tên nước Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới; để tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được khẳng định dưới quốc hiệu của quốc gia Việt Nam, mà Người còn khẳng định: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc. Chúng ta không mong gì hơn nhưng chúng ta không chịu gì kém” (2) và “chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”(3) để mỗi người dân đều được thụ hưởng giá trị lớn lao của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Thực tế cho thấy là, luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển; vì nhân dân phụng sự để nhân dân hiểu được, thấm được, thụ hưởng được giá trị cao quý của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, mọi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng không ngoài mục đích lớn lao đó; cũng chính là nhằm để thực hiện lời căn dặn “đầu tiên là công việc đối với con người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử. Đồng thời, minh chứng sinh động nhân dân Việt Nam được thụ hưởng “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” thực sự chính là những thành tựu hiển hiện trên thực tế như: Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài với những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng để tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, đoàn kết và bỏ phiếu kín đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ngày 6/1/1946 “dân chủ hơn hàng ngàn lần dân chủ tư sản”; soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 1946/bản Hiến pháp “dân chủ, công bình của các giai cấp”; thực hiện bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, cứu đói và thực thi các chính sách để phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện chủ trương đối ngoại mềm dẻo để tránh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù đang đe dọa nền độc lập vừa giành được trong những năm 1945-1946; là những thành tựu của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc (1946-1954) – vừa kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc, vừa kiến quốc để xây dựng đất nước phát triển trong điều kiện có chiến tranh; với thắng lợi của sự nghiệp vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội… Đặc biệt, một Việt Nam ngày càng đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng từ 1986 đến nay đã không chỉ cho thấy “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” luôn là khát vọng, là đích đến của dân tộc trên hành trình xây dựng và phát triển, mà còn là sự khẳng định và làm sâu sắc hơn ý nghĩa lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay” (4).

Sự xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” và hành trình đấu tranh cho “6 chữ vàng” đó hiển hiện sinh động qua sự khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(5) và “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(6) của Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua căn cứ để lựa chọn tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được ghi rõ trong Sắc lệnh luật số 50: “Xét vì bắt đầu từ ngày 2/9/1945 nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập cho toàn thể quốc dân và thế giới biết; Xét vì ngày 24/8/1945, Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và giao chính quyền lại cho Chính phủ dân chủ cộng hoà; Xét vì cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta, nhưng độc lập, tự do và hạnh phúc mà chính thể dân chủ cộng hòa mang lại cho dân chúng”; qua Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945): “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(7) và lời phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (10/1/1946): “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(8); qua tinh thần, ý chí “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) và tuyên bố “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước (17/7/1966)… vừa thiêng liêng, vừa có sức mạnh cổ vũ, truyền cảm hứng lớn lao đối với bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Cho nên, nếu cho rằng “thực chất của hạnh phúc” chính là việc con người phải được thụ hưởng quyền con người đúng nghĩa theo Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 thì đúng là hạnh phúc thực sự đã được thực hiện ở Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo. Càng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dù phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, thì mỗi người dân Việt Nam yêu nước càng thấy rõ hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và giá trị của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của nhân dân. Ảnh: Tư liệu

Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chương trình kinh tế – xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của nhân dân. Ảnh: Tư liệu

KIÊN ĐỊNH MỘT NƯỚC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA “ĐỘC LẬP- TỰ DO – HẠNH PHÚC”

Nhận thức sâu sắc rằng Tự do là “quyền của con người” (9) và người dân chỉ có được Tự do, Hạnh phúc trong một quốc gia độc lập, thống nhất, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã kiên trì vượt mọi khó khăn, thách thức để chiến đấu và chiến thắng; đã không chỉ làm nên một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công (1930-1945) mà còn giành thắng lợi trong hành trình đấu tranh cho một Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, non sông liền một dải (1945-1975). Vì thế, kiên định, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng (từ 1986 đến nay) với một đường lối đổi mới đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam để không chỉ xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước đi đến phồn vinh, mà còn nỗ lực thực thi trong từng quyết sách để đảm bảo mỗi người dân Việt Nam đều được sống trong “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” thực sự.

Hơn nữa, vì “tự do là sản phẩm tất yếu của sự phát triển lịch sử”(10) nên Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ tại Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, song cũng hiến định rõ rằng “2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” tại Điều 15. Đồng thời, Điều 14 cũng ghi rõ: “2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Sự giới hạn này tùy thuộc điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, nhưng phải tuân theo nguyên tắc giới hạn quyền con người tại Điều 29: “1) Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. 2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn” của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948. Cho nên, các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, thù địch cần phải hiểu rằng, ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo đảm; trong đó có các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,v.v.. thì “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” thực sự của mỗi người dân không phải là “tự do không giới hạn” như chiêu trò kích động, xuyên tạc, mà chính là đời sống vật chất và tinh thần ngày mỗi ngày được nâng cao hơn; quyền con người, quyền công dân ngày càng được đảm bảo hơn bởi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện của Nhà nước.

Với một hệ thống pháp luật ngày càng được bổ sung, hoàn thiện góp phần đảm bảo, thực thi, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013; với các luật, bộ luật như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; Luật Báo chí 2016; Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Lao động 2019; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022…) và với việc đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người (Công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966; Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969; Công ước về quyền trẻ em 1989; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người…) cùng sự nỗ lực thực hiện được cộng đồng quốc tế ghi nhận, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, có thể khẳng định rằng: Ở Việt Nam, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” thực sự đã hiện hữu, cho nên luận điệu Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thực hiện đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị thì người dân không có được “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đúng nghĩa và quyền dân chủ, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận “chỉ có ở trên giấy” chỉ là sự suy diễn, xuyên tạc của các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, thù địch luôn âm mưu chống phá Đảng và chế độ.

Đặc biệt, mới đây, từ 21-24/8/2024 tại Hà Nội, gần 600 đại biểu đã tham dự “Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ 4” và “Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024”, với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”. Đây chính là một diễn đàn, một không gian mở để kiều bào gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ ý tưởng và đóng góp vào quá trình phát triển đất nước. Đồng thời, đó cũng là một minh chứng khẳng định Việt Nam đang tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị 45/CT-TW năm 2015 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới… để thúc đẩy hơn nữa công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, việc Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng từng ý kiến tâm huyết, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức, bà con kiều bào để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” là sự thật không thể phủ nhận/không thể bẻ cong. Và cũng vì thế, nếu một ai đó, một nhóm người nào đó nhân danh quyền tự do ngôn luận, quyền con người để tiến hành các hoạt động tung tin xấu độc, tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ bằng những luận điệu xảo trá… thì chính là vi phạm pháp luật theo Điều 117, 331 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và kêu gọi tụ tập biểu tình, kích động biểu tình trái phép gây rối trật tự, phá hoại an ninh quốc gia… thì chính là vi phạm Điều 118, 318 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4

Cuối cùng, phải khẳng định rằng, trước một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, hòa hiếu và rộng mở luôn là điểm đến, là sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài, của du khách quốc tế bởi chính trị ổn định, môi trường hòa bình, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ,v.v.., với chỉ số hạnh phúc năm sau luôn được xếp cao hơn năm trước: “Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát/tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023. Xét ở khu vực châu Á thì Việt Nam đứng vị trí thứ 6/sau Sinagpore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines” (11) … thì mọi luận điệu phản động, xuyên tạc sự thật cho rằng ở Việt Nam – người dân không có quyền con người/không được thực sự thụ hưởng giá trị của “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” chỉ là chiêu trò “diễn biến hòa bình” của các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, thù địch./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments