Kỳ vọng đổi mới và đóng góp thêm nữa
Hôm nay (6-8), TP. Hồ Chí Minh kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè (1994 – 2023). Hành trình ấy đủ để khẳng định sự trưởng thành của bao thế hệ chiến sĩ tình nguyện, luôn có sự dõi theo của người dân và quan tâm của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Phó bí thư thường trực Thành ủy – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá hoạt động tình nguyện đã chứng minh là phương thức mới hiệu quả để tập hợp rộng rãi, đông đảo các đối tượng thanh niên khi cùng nhiệt huyết, hướng về cộng đồng. Ông Mãi nói:
“Hôm rồi đi thăm chiến sĩ tình nguyện TP.Hồ Chí Minh tại Bến Tre, quan sát các bạn làm, nghe báo cáo, tôi thấy thanh niên thành phố rất sáng tạo, biết vận dụng chuyên môn của bản thân, tận dụng ưu thế của địa phương để tổ chức hoạt động.
Khi kết hợp tốt giữa chuyên môn của chiến sĩ tình nguyện, nguồn lực của các đơn vị, cộng với công sức của bà con, chúng ta tạo ra nhiều công trình ý nghĩa, phục vụ người dân rất tốt.”
Phương thức mới hiệu quả
* Theo dõi hành trình trưởng thành của phong trào tình nguyện mà tuổi trẻ TP đang có, ông đánh giá gì từ góc độ lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh?
– Cùng với các phương thức tập hợp đã có, tình nguyện là phương thức mới hiệu quả để tập hợp thanh niên hiện nay. Hoạt động tình nguyện đã đi đầu, mang tính dẫn dắt phong trào thanh thiếu nhi. Từ hoạt động của TP.Hồ Chí Minh, đến nay những tên gọi Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh đã là tên các chiến dịch của tuổi trẻ cả nước.
Qua tình nguyện, chúng ta cảm nhận rõ tinh thần xung kích, tính sáng tạo của thanh thiếu niên. Nhiều công trình do các bạn thực hiện đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội tại những địa phương đóng quân. Chưa kể còn đang làm tốt vai trò ngoại giao nhân dân khi nhiều năm tham gia tình nguyện, để lại tình cảm tốt đẹp với người dân, thanh thiếu nhi nước bạn Lào.
Điều không thể phủ nhận đây chính là môi trường rèn luyện tốt vì đã có nhiều gương mặt trưởng thành qua mỗi mùa chiến dịch, khẳng định được vị trí của mình.
* Khởi đi từ việc xóa mù chữ phát triển qua nhiều công việc, lĩnh vực khác, ông cho rằng đâu là cái được lớn nhất mà hoạt động tình nguyện mang lại?
– Tôi cho rằng khi tham gia từng hoạt động, các bạn cảm nhận được yêu cầu của cuộc sống và đem tinh thần xung kích, tình nguyện, sức trẻ để đáp ứng các yêu cầu ấy. Nói cách khác, xã hội luôn đặt ra những bài toán mà hoạt động tình nguyện chính là cách tuổi trẻ giải quyết từng bài toán ấy, đáp ứng những nhu cầu của các địa phương. Mà tìm ra lời giải sẽ hiểu nhau và càng thêm gắn bó.
Các bạn trẻ được học hỏi từ thực tế, thực hành kiến thức chuyên môn mình có và cống hiến khả năng của mỗi người với tất cả tâm huyết. Các địa phương qua đó có thêm điều kiện, động lực phát triển, nhất là trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vì phần lớn hoạt động tình nguyện hướng đến các vùng nông thôn còn khó khăn.
* Thành phố đánh giá thế nào về vai trò, vị trí của lực lượng trẻ trong xây dựng, phát triển thành phố qua hoạt động này?
– Phải nói ngay lực lượng trẻ luôn thể hiện rõ tính tiên phong, tinh thần xung kích, sẵn sàng đảm nhận và thực hiện những việc cần, việc mới, việc khó. Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đề cao vai trò, vị trí và luôn tin tưởng tuổi trẻ sẽ là đội ngũ kế cận xứng đáng nhận lãnh trách nhiệm xây dựng và tiếp nối thành quả phát triển của thành phố này.
Các bạn rất năng động, sáng tạo, được đặt nhiều kỳ vọng mà tôi tin các bạn đủ sức để trở thành lực lượng quan trọng phát triển thành phố và đất nước trong giai đoạn mới, trước các yêu cầu và đòi hỏi mới. Các bạn hầu như có mặt trên tất cả lĩnh vực, ở đâu cũng thấy bóng dáng người trẻ.
Chính lực lượng trẻ đang góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội thành phố và cả nước.
Có thể nói lực lượng trẻ là động lực mới để xây dựng, phát triển Thành phố trong tương lai. Đặc biệt với nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua, có rất nhiều việc, lĩnh vực mà tuổi trẻ có thể đóng góp để tạo nên những thành quả mới cho Thành phố cũng là cho cả nước.
* Từ cột mốc 30 năm, theo ông hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh cần và nên làm thế nào ở chặng đường phía trước?
– Phải xác định đúng nhu cầu từng địa bàn sẽ đến tại những thời điểm cụ thể. Các công trình, hoạt động các bạn đã làm đã chứng minh điều đó. Nơi này có thể dạy tiếng Anh nhưng nơi khác cần chuyển giao khoa học công nghệ, kiến thức công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nơi khác nữa lại cần các công trình khác, và phải rất cụ thể, không nói chung chung.
Nhưng cần dựa vào cái mình có, tức là nội lực của đội ngũ để làm. Như vậy mới có được những công trình thiết thực, ý nghĩa, đúng cái xã hội, địa phương cần chứ không chỉ mang đi cho cái mình có. Và cần tạo sự kết nối các nguồn lực xã hội (nhân lực, tài chính, vật lực) để bức tranh tình nguyện hài hòa, mọi người cùng tham gia chứ không chỉ riêng chiến sĩ tình nguyện làm một mình.
Khẳng định sức hiệu triệu thanh niên
30 năm qua, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè đã khẳng định sức hiệu triệu, phát huy được vai trò xung kích của thanh niên, nguồn lực xã hội tạo nên những công trình thiết thực, hoạt động hiệu quả góp phần xây dựng, phát triển TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành, tạo sự đồng thuận xã hội.
Từ Ánh sáng văn hóa hè đến Mùa hè xanh rồi các chiến dịch Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh và hai chương trình Tiếp sức mùa thi, Gia sư áo xanh chính là sự phát triển, tạo ra môi trường tình nguyện phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh niên. Không chỉ có sức trẻ, các bạn dùng chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động tình nguyện.
Chúng tôi xác định đây sẽ luôn là phong trào tình nguyện dẫn dắt xã hội, tập hợp thanh niên. Điều cần là đúc kết các giá trị thực tiễn, nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức để hoạt động tình nguyện vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa đón đầu xu thế phát triển của thanh niên.
Chúng tôi muốn cảm ơn các thế hệ chiến sĩ tình nguyện đã gắn bó, tham gia tích cực hoạt động tình nguyện hè 30 năm qua. Chính các anh chị, các bạn mới là nhân tố quan trọng nhất làm nên thành công của hoạt động tình nguyện.
Chúng tôi tin các thế hệ tiếp nối đang truyền cho nhau ngọn lửa tình nguyện để sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ vì sự phát triển chung của Thành phố và cả nước.
Chờ bước chuyển mình phù hợp
30 năm, thời gian đủ in dấu bước chân trưởng thành của bao thế hệ tình nguyện, để hôm nay có quyền chờ đợi bước chuyển mình phù hợp với thời cuộc.
* Chị LÂM NHƯ QUỲNH (Bí thư tỉnh Đoàn Bến Tre):
Góp sức phát triển kinh tế – xã hội địa phương
Mùa hè xanh về Bến Tre năm 2000 tại 20 xã của ba huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú.
Ngay từ đầu, chiến sĩ tình nguyện TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây dựng công trình giao thông nông thôn, nhà tình thương – tình nghĩa, các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo thiếu nhi, bà con khó khăn, để lại nhiều tình cảm trong lòng người dân quê hương Đồng khởi.
Trong hành trình 30 năm của tuổi trẻ thành phố, Bến Tre có 24 năm đồng hành mà nhiều công trình ý nghĩa của thanh niên thành phố đã góp sức cùng Bến Tre xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế – xã hội. Tôi mong Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh đúc kết bài học quý, tìm ra phương thức tình nguyện mới phù hợp điều kiện thực tiễn.
Ở đó, Đoàn vẫn giữ vai trò trung tâm, khơi sức sáng tạo của thanh niên để tình nguyện tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng người dân thành phố và nhiều tỉnh, thành khác.
* PGS.TS MAI THANH PHONG (hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh):
Trường học thực tiễn rèn sinh viên
Không chỉ là 30 năm đồng hành với hoạt động tình nguyện của TP.HCM, thầy trò Bách khoa đã có 32 mùa chiến dịch, ghi dấu ấn trên từng con đường bê tông, cây cầu nông thôn hay những ngôi nhà tình nghĩa – tình thương và bao phần việc mang lại giá trị lợi ích kinh tế – xã hội khác.
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến sự trưởng thành của sinh viên tham gia. Chúng tôi xem đây là trường học thực tiễn bổ sung nhiều bài học quý, là một trong những phương pháp rèn sinh viên và cả cán bộ, giảng viên của trường qua từng công việc cụ thể tại mỗi địa phương mà nhà trường đóng quân.
Hành trình đó in đậm dấu ấn trưởng thành, sự sáng tạo, khát khao cống hiến của bao thế hệ sinh viên Bách khoa. Chúng tôi tin Huân chương Lao động hạng nhì, bằng khen của Thủ tướng, giải thưởng Tình nguyện quốc gia đã ghi nhận rõ nét việc tham gia hiệu quả của thầy và trò chúng tôi trong hành trình đã và sẽ còn tiếp tục này.
* Sinh viên NGUYỄN NGỌC HÂN (Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh):
Có thể mở rộng địa bàn
Những ngày được sống trong nhà dân, tôi và đồng đội hiểu hơn những khó khăn, vất vả trong đời sống vùng quê nhưng ấm áp và đầy tình cảm. Bà con quan tâm từng chút khiến chúng tôi thấy như đang ở nhà mình.
Cá nhân tôi có thêm nhiều kỹ năng, trải nghiệm thực tế từ hai năm làm chiến sĩ Mùa hè xanh. Tôi thao thức khi đi làm và có điều kiện hơn sẽ quay lại chính nơi mình từng đóng quân, làm điều gì đó góp sức cho vùng đất nơi chúng tôi xem như một phần quê hương của mình.
Liệu chiến dịch của Thành phố có thể mở rộng địa bàn không? Không chỉ ra miền Trung mà còn có thể ra miền Bắc.
Tôi tin ở đó vẫn còn nhiều đồng bào, trẻ em khó khăn cần đến những bàn tay, công việc của chiến sĩ tình nguyện.
——————————————-
Tình nguyện chuyên nghiệp
Hôm nay, tuổi trẻ Thành phố kỷ niệm 30 năm ngày khai sinh hoạt động tình nguyện, lấy mốc từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994, khởi phát từ sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh thời ấy.
Nếu phải hỏi về một dấu ấn nào đáng nhớ và có thể nhắc đến trước nhất khi nói về hoạt động của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác, tin rằng nhiều người sẽ kể tên Mùa hè xanh. Bởi ấy là cả thanh xuân của biết bao thế hệ chiến sĩ tình nguyện cùng dệt nên.
Để rồi trên hành trình vào đời của mỗi người, có một thứ cảm xúc được gọi tên chung là cảm xúc tình nguyện. Có khi họ chưa từng biết nhau trước đó nhưng chỉ cần trong câu chuyện có nhắc đến thời sinh viên từng làm chiến sĩ Mùa hè xanh, cảm giác thân quen, sợi dây kết nối vô hình cứ thế kéo những người xa lạ lại gần nhau, thân thiết.
Mà không chỉ có Mùa hè xanh. Tình nguyện hôm nay còn có Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Tiếp sức mùa thi, Gia sư áo xanh. Nhưng dẫu là tên gọi nào chăng nữa, một lần được khoác lên mình đồng phục và chỉ là thấp thoáng nhận ra nhau qua màu áo, những bạn trẻ sẽ không khỏi tự hào với danh xưng chiến sĩ tình nguyện.
Nhưng ở cột mốc 30 năm, không chỉ người tổ chức mà cả mỗi chiến sĩ tình nguyện hẳn cũng có những đòi hỏi cho chặng đường mới. Đội hình chuyên, liên kết giữa các chiến dịch đã không còn xa lạ. Tình nguyện cao điểm, tình nguyện dài hơi, tình nguyện thường xuyên cũng không còn quá mới. Và dường như là chưa đủ trước nhịp chuyển động của cuộc sống.
Chủ trương gắn với một địa bàn ít nhất ba năm liên tục để có thể giải quyết được nhiều vấn đề, bài toán nơi ấy đặt ra đã và đang được nhiều đơn vị áp dụng là rất đáng hoan nghênh. Thực tế đã có những công trình hữu dụng được hình thành từ cách làm này. Nhưng tính chuyên nghiệp trong hoạt động tình nguyện ở thời điểm này cũng là điều phải được tính toán một cách nghiêm túc.
Chọn đúng địa bàn, xác định đúng nhu cầu, chi đúng nguồn lực sẽ cho lời giải hiệu quả hơn với các đề bài đặt ra. Có lẽ không nhất thiết phải đổ quân quá đông xuống một địa bàn, thay vào đó chọn và tuyển quân tinh nhuệ, đi ít thôi nhưng làm hiệu quả và ai cũng làm việc hết mình.
Chưa kể phải tính đến hàm lượng trí tuệ trong từng sản phẩm tình nguyện tạo ra. Chiến sĩ tình nguyện sẽ vận dụng kiến thức chuyên môn thế nào, kỹ năng ra sao vào thực tiễn hoạt động. Đó sẽ là mấu chốt tạo nên tình nguyện chuyên nghiệp. Tự hào là chiếc nôi của phong trào tình nguyện của tuổi trẻ cả nước càng đặt ra yêu cầu phải tự làm mới, vượt lên chính mình ngày hôm qua.
Vẫn cần sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích, sẵn sàng dấn thân của các bạn trẻ vì vốn là đặc tính của tình nguyện. Nhưng sáng tạo và tổ chức khoa học mới tạo ra kết quả chuyên nghiệp. Khi ấy mới đáp ứng nhu cầu đóng góp của người muốn cho đi mà xã hội cũng nhận lại những sản phẩm tình nguyện chất lượng, chứ không chỉ là “ở dân thương, làm dân tin, đi dân nhớ”.
Sưu tầm