Hướng đi phát triển bền vững của doanh nghiệp
Thời gian gần đây, chuyển đổi số đã trở thành một “từ khóa” được quan tâm hàng đầu trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, thích ứng với bối cảnh mới. Vai trò của chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở việc cải thiện hiệu suất sản xuất mà còn mở ra những cơ hội mới, thay đổi cách doanh nghiệp tương tác với thị trường và khách hàng.
Các doanh nghiệp trong tỉnh đã thể hiện sự đổi mới và sáng tạo bằng cách áp dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đa dạng. Một trong những lĩnh vực mà chuyển đổi số có tác động sâu rộng là quản lý sản xuất. Một số doanh nghiệp của tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Công nghệ theo dõi, phân tích dữ liệu từ các quy trình sản xuất giúp họ dễ dàng nhận biết và giải quyết sự cố phát sinh, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Nằm tại một xã khá xa trung tâm huyện Thanh Sơn nhưng Công ty TNHH Chè Văn Võ Miếu lại rất năng động trong việc ứng dụng các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại vào sản xuất. Đi vào hoạt động từ năm 2004 với sản phẩm chính là chè đen, chè xanh, không chỉ cải tiến dây chuyền sản xuất, Công ty còn đi đầu trong việc sử dụng các phần mềm quản lý, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất cả các xưởng sản xuất, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí, đảm bảo chất lượng hoạt động của dây chuyền.
Ông Hà Văn Thương – Quản đốc của Công ty cho biết: “Xưởng sản xuất có quy mô khá lớn, hoạt động liên tục, thay vì bố trí nhân lực thường xuyên kiểm tra, giám sát khá mất thời gian và kém hiệu quả, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi thường xuyên. Ở bất kỳ đâu và thời gian nào, tôi cũng như đội ngũ lãnh đạo Công ty đều theo sát hoạt động sản xuất tại xưởng. Cùng với đó, các phần mềm hỗ trợ quản lý đầu vào đầu ra cũng góp phần giúp Công ty tiết kiệm nhiều chi phí và mang lại hiệu quả cao. Sản lượng năm 2022 của Công ty đạt gần 1.000 tấn chè, là đối tác lâu dài của các công ty trong và ngoài nước.
Không chỉ giới hạn ở quy trình sản xuất, doanh nghiệp có thể sử dụng các giải pháp quản lý dữ liệu để thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, dự đoán xu hướng thị trường. Đồng thời cải thiện phương thức quản lý và theo dõi chuỗi cung ứng, từ việc đặt hàng đến vận chuyển, lưu trữ, quản lý nhân sự, doanh thu, công nợ… Điều này có thể giúp giảm thiểu thất thoát, tăng cường hiệu quả trong việc quản lý nguồn lực.
Chuyển đổi số còn tác động đến quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng. Việc phát triển các nền tảng thương mại điện tử đã giúp mở rộng phạm vi thị trường, tạo cơ hội tiếp cận khách hàng trên cả phạm vi quốc tế. Trải nghiệm mua sắm trực tuyến tối ưu hóa đã tạo ra một môi trường thân thiện và tiện lợi cho khách hàng, giúp họ dễ dàng tìm kiếm, mua sản phẩm mình mong muốn.
Điển hình như thay vì những hội chợ bán hàng trực tiếp với những hạn chế như giới hạn người tham gia, khách hàng chỉ nằm trong phạm vi nhỏ, tháng 7 vừa qua Chương trình “Chợ phiên OCOP – Về miền Đất Tổ” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng hành cùng TikTok Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Agritrade, Kolin MCN phối hợp tổ chức đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Tại chợ phiên online này, các nhà sáng tạo nội dung trên trên nền tảng mạng xã hội TikTok đã hội tụ để livestream (phát trực tiếp) giới thiệu, quảng bá, mở bán trên 40 sản phẩm nông sản tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh như: Thịt chua Trường Foods, chè Đinh OCOP năm sao Hoài Trung, bún gạo Hùng Lô, tương Hoa Lúa, rau sắn muối chua Liên Gia Trang… với giá ưu đãi để kích cầu tiêu dùng. Chỉ sau 3 giờ 30 phút livestream, Chương trình “Chợ phiên OCOP – Về miền Đất Tổ” đã thu hút được gần 20 triệu lượt xem, qua đó bán được hơn 3.000 đơn hàng.
Mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm đến chuyển đổi số, tuy nhiên thực tế quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp vẫn chưa được đầu tư tương xứng, chưa có chiến lược, kế hoạch lâu dài và bền vững. Trước thực tế đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai một cách đồng bộ. Trong đó tập trung hỗ trợ đối với các ngành nghề, lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ưu tiên một số doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện chuyển đổi số, tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng, để vượt qua khó khăn, bứt phá trên con đường chuyển đổi số, cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực, chủ động, tập trung vào việc đào tạo nhân lực về công nghệ, xây dựng chiến lược rõ ràng, bền vững.
Sưu tầm