Gần 80 năm qua, kể từ ngày lập quốc theo chế độ mới đến nay, việc thực thi quyền lực nhà nước của chúng ta ngày càng đúng đắn, tốt đẹp hơn, vì sự tối thượng là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Do đó, nếu “nhà dân chủ” nào không hiểu bản chất vấn đề, cố ý đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất, đánh tráo khái niệm giữa sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ với mục tiêu, bản chất thực thi quyền lực tối cao thuộc về nhân dân của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là điều đáng phải phê phán.
1. Lâu nay, chúng ta đã cởi mở hơn, tin cậy hơn trong những thảo luận nhiều vấn đề về đời sống xã hội. Xã hội chúng ta ngày càng công bằng, dân chủ, văn minh hơn, trước hết do chúng ta đã biết tự cân bằng các khu vực quyền lực, ứng xử đúng mực với mọi giai tầng xã hội. Điều này không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có từ thượng cổ. Đó chính là nền tảng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng phong phú, sâu sắc, toàn diện và luôn được các thế hệ người Việt Nam vun trồng, bồi đắp.
Đại đức Thích Đồng Đạo, trụ trì chùa Phương Lan, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) có nói đại ý rằng, để có những trang văn hay và chính xác hơn nữa đối với văn học sử của Việt Nam thì các nhà văn nên nghiên cứu thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì sử nước nhà có những giai đoạn song hành với sử Phật giáo. Nhiều vị quân vương nước ta lên ngôi dùng quyền lực trị vì thiên hạ đều có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo qua các thiền sư. Khi vương triều nào đó mất đi thì các thiền sư vừa đảm nhiệm vai trò giữ đạo, vừa giữ nguồn tri thức cho dân tộc nên phần lớn các vị quân vương đều nhờ sự giáo dưỡng rất lớn của các thiền sư, mà điển hình nhất là Lý Bí, Lý Công Uẩn… Khi chúng ta nghiên cứu thêm về lịch sử Phật giáo sẽ giúp nhà văn dùng từ ngữ và các di tích liên quan đến Phật giáo và lịch sử dân tộc đúng đắn, hay hơn nhiều.
Tư duy trên của vị Đại đức phần nào nói lên rằng, nền Phật giáo Việt Nam chính là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam, góp phần vào sự trưởng thành đi tới văn minh của con người Việt Nam hiện đại. Đây cũng là một trong những nền tảng căn bản hình thành nên cốt cách dân tộc Việt Nam.
2. Quay lại vấn đề quyền lực. Thực ra, trong bất kỳ thể chế chính trị nào đều là câu chuyện hành xử quyền lực như thế nào để ích nước, lợi dân. Quyền lực của thể chế chính trị triều Lý, triều Trần, triều Lê đều tập trung nơi các vị vua, nơi triều đình. Thế thì tại sao, cũng là quyền lực đó ở các vị vua khai quốc, các vị minh quân, các đại thần tài đức thì nhân dân và Tổ quốc được ấm no, hạnh phúc, đất nước được bình yên, cường thịnh; nhưng với khung khổ quyền lực ấy rơi vào tay các hôn quân, gian thần đều khiến chính thể rối ren, nhân dân đói khổ, mất tự do, thậm chí mất nước, mất vương triều?
Như thế, quyền lực và thực thi quyền lực của một chế độ chính trị phải trở thành thái độ văn hóa sâu rễ bền gốc chứ không phải sự thỏa thích thực thi tất cả quyền hành để thỏa mãn chế độ chính trị đó. Nền tảng của quyền lực không thể bất định, cứng nhắc, chỉ khư khư dựa vào nguyên tắc giáo điều, mà quyền lực thời nay thể hiện tốt nhất vai trò của mình là thực thi quyền lực dựa trên nền tảng thượng tôn hiến pháp, pháp luật gắn với giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
3. Thời gian gần đây, một số “nhà dân chủ” trong nước và ngoài nước cho rằng, bộ máy chính trị ở Việt Nam đã lộng quyền, tham nhũng tràn lan, từ đó làm mất vai trò quyền làm chủ của nhân dân. Thực tế đó chỉ sự đánh tráo khái niệm, đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Với chế độ của chúng ta, từ khi đặt nền móng độc lập (1945) đến nay, Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam luôn hướng tới những điều tốt đẹp, quyền lực tối thượng luôn để phục vụ nhân dân và Tổ quốc. Điều này là bất di bất dịch. Gần 80 năm qua, chúng ta đã hết sức kiên định, đem tất cả của cải và vật chất, trí tuệ và niềm tin, nhất quán với con đường đã chọn, nhưng cũng biết cách linh hoạt để bảo vệ quyền lợi cao nhất của nhân dân, của quốc gia, dân tộc.
Để giữ gìn sự liêm chính của chính thể, sự trong sạch của bộ máy công quyền, những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết “nhốt” quyền lực trong lồng cơ chế. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, đã nhận định: “Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng… Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng” , không “nghỉ”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng; đồng thời phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
4. Trong xu thế thời cuộc và thời đại hôm nay, thế giới chuyển động không ngừng với nhiều điểm nóng phức tạp, việc thực hành và kiểm soát quyền lực một cách bền vững để phục vụ lợi ích của nhân dân và Tổ quốc phải được đặt ra một cách có hệ thống trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Bác Hồ từng huấn thị: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Đó chính là phương lược lâu dài của chính thể chúng ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Xã hội Việt Nam đang phát triển nhanh, khá toàn diện chính vì đã khơi dậy được nhiều nguồn lực và có cơ chế đúng đắn kiểm soát tốt các khu vực quyền lực. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra nhanh, toàn diện đã và đang đặt ra không ít thách thức về quyền lực và thực hành quyền lực, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Một bộ phận cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao đã tha hóa biến chất, bị quyền lực, vật chất cám dỗ làm hư hỏng bản thân đến mức phải bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Đây là bài học đau xót về sự thiếu giám sát, kiểm soát dẫn đến tha hóa quyền lực.
Xã hội ta đang trưởng thành về mọi mặt. Trong bước đường trưởng thành sẽ phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, mà thách thức và trở ngại lớn nhất chính là quá trình thực thi quyền lực trong cơ chế chính trị một Đảng cầm quyền duy nhất ở nước ta. Điều này đã được Đảng, Nhà nước ta nhận thức sâu sắc, rõ ràng và đang nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm cho đất nước ta phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Ví như mới đây, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định số 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị khóa XII ban hành năm 2019 chỉ nói đến kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Còn Quy định số 114 đã đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ với phạm vi rộng hơn. Bên cạnh đó, các cơ chế, giải pháp cũng được quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Điều này cho thấy, Đảng ta không ngừng hoàn thiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tha hóa quyền lực, nhằm bảo đảm mục tiêu ở đâu có quyền lực thì ở đó phải được kiểm soát chặt chẽ.
Phải khẳng định rằng, gần 80 năm qua, kể từ ngày lập quốc theo chế độ mới đến nay, việc thực thi quyền lực nhà nước của chúng ta ngày càng đúng đắn, tốt đẹp hơn, vì sự tối thượng của nó chính là phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc. Do đó, nếu “nhà dân chủ” nào không hiểu bản chất vấn đề, cố ý đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất, đánh tráo khái niệm giữa sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ với mục tiêu, bản chất thực thi quyền lực tối cao thuộc về nhân dân của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là điều đáng phải phê phán./.
Sưu tầm