Đưa doanh nghiệp từ vị trí là đối tượng của chuyển đổi số thành chủ thể của chuyển đổi số

Ngày 12/12/2022, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 3262/QĐ-UBND về một số chủ trương, biện pháp chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2023; trong đó, đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về cơ chế thực hiện, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi với Viettel Phú Thọ về nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số bên lề hội thảo Chuyển dịch số và phát triển hạ tầng mạng lưới năm 2023, định hướng đến năm 2025

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp, thống nhất với Cục Thuế tỉnh, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh nghiên cứu, xây dựng và ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số năm 2023.

Trên cơ sở nắm bắt hoạt động thực tế của doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đánh giá các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp viễn thông theo nhu cầu của các doanh nghiệp ứng dụng; đồng thời, phối hợp với Cục Thuế tỉnh lựa chọn 12 doanh nghiệp để trực tiếp hỗ trợ triển khai chuyển đổi số.

Cán bộ VNPT Phú Thọ theo dõi các hệ thống chức năng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Phú Thọ

Kết quả triển khai đã bước đầu có những kết quả tích cực, doanh nghiệp đánh giá cao sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, từ đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực tế giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp như hợp đồng điện tử, điểm danh, chấm công qua nhận diện khuôn mặt, hệ thống quản trị nhân sự, quản lý sản phẩm hàng hoá, thanh toán không sử dụng tiền mặt…

Trong quá trình triển khai thực hiện, đã có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu, trực tiếp là đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh sự; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chuyên môn. Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số để cài đặt, triển khai tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn do nhiệm vụ vừa mang tính vĩ mô, vừa mang tính cụ thể, chi tiết, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vừa mang tính khẩn trương, cấp bách nhưng cũng vừa mang tính kiên trì, dài hạn; nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế. Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay chủ yếu ở mức hỗ trợ, khuyến khích, chưa có quy định hay đánh giá ở mức bắt buộc; thông tin phản ánh về thực trạng, về các điển hình doanh nghiệp chuyển đổi số còn hạn chế, chưa khơi dậy và góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận rõ ràng, chưa đầu tư vào các giải pháp chuyển đổi số…

Trên cơ sở thực tiễn, thuận lợi, khó khăn và một số kết quả bước đầu, các tháng cuối năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp, cụ thể là Cục Thuế tỉnh, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh tổ chức hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tiếp tục tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trọng tâm, tiêu biểu để làm đầu tàu và triển khai nhân rộng.

Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, tăng cường thông tin, phản ánh thực tế chuyển đổi số trong doanh nghiệp, góp phần từng bước thúc đẩy doanh nghiệp từ vị trí là đối tượng của chuyển đổi số trở thành chủ thể của chuyển đổi số.

Ba là, tăng cường sự tham gia, vào cuộc của các phòng chuyên môn cấp huyện trong việc tham mưu với UBND cấp huyện và phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực nắm bắt, phản ánh thực trạng, triển khai, hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại địa phương.

Bốn là, tổ chức đánh giá, tổng hợp kết quả thực tế thực hiện, nghiên cứu các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nguồn lực hỗ trợ để báo cáo, tham mưu, đề xuất với UBND giải pháp triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Với kết quả thuận lợi cơ bản bước đầu, sự chung tay, trách nhiệm vì nhiệm vụ chung của các cơ quan, đơn vị có liên quan, cuối năm 2023 chắc chắn sẽ có doanh nghiệp tiêu biểu về chuyển đổi số trên địa bàn và phấn đấu đảm bảo có từ 100 đến 150 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, sự tăng cường đánh giá, phản ánh thực tế, hiện trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp của các cấp chính quyền và các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tự nhìn nhận, đánh giá hiện trạng ứng dụng của doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, thúc đẩy doanh nghiệp từ vị trí là đối tượng của chuyển đổi số trở thành chủ thể của chuyển đổi số.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments