Cuộc ‘giải cứu’ gia đình 7 người trên xe máy
Ngày 28/2, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về người đàn ông đi xe máy chở theo vợ và 5 con từ Điện Biên dự tính đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn tìm việc làm thuê. Hình ảnh cả gia đình lam lũ, mệt mỏi vì hành trình hàng trăm km dưới thời tiết 10 độ C khiến nhiều người xót xa.
Anh Phạm Ngọc Toàn, 42 tuổi, ở thị trấn Hữu Lũng, Lạng Sơn, tình cờ xem được đoạn video, cảm thấy xót xa cho những cháu nhỏ nên quyết định liên hệ để trợ giúp. Nhưng liên lạc với số điện thoại của người chồng không được, anh đành đăng bài lên mạng, kêu gọi mọi người cung cấp thông tin nếu gặp họ.Hình ảnh người đàn ông dân tộc H’Mông chở vợ và 5 con ngồi bốn xung quanh xe được chia sẻ lên mạng xã hội khi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn, hôm 28/ 2.
Sau một ngày tìm kiếm, từ nguồn tin của nhiều người, anh Toàn xác định gia đình này đã lên Cao Bằng do không xin được việc bốc vác thuê ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
19h ngày 29/2, hai thành viên trong nhóm thiện nguyện cùng anh Toàn xuất phát đến huyện Trùng Khánh, Cao Bằng theo chỉ dẫn của người dân địa phương.
“Chúng tôi phải đi ngay bởi quãng đường hơn 250 km, sợ họ di chuyển sang địa phương khác sẽ mất dấu. Mong muốn lớn nhất là giúp gia đình có chỗ ăn ngủ tử tế, không thể để 7 người đi trên một chiếc xe máy rất nguy hiểm”, anh Toàn kể.
Trước khi đi anh cũng liên hệ với Trung tâm Hy vọng tại Hữu Lũng, Lạng Sơn – nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các em nhỏ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn – trình bày hoàn cảnh và nhận được sự đồng ý giúp đỡ.
Hơn 5 tiếng di chuyển, rạng sáng 1/3, họ tìm thấy gia đình này đang thuê trọ tại thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh.
Người chồng tên Sùng Pó Tủa, 39 tuổi, vợ là Phàng Thị Sênh, 30 tuổi, cùng năm người con từ 3 tuổi đến 10 tuổi, trú tại bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuối tháng 2 họ đi xe máy xuống Hà Nội, ngủ qua đêm tại cầu Thanh Trì, sáng lên cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Do không tìm được việc nên tiếp tục đến Cao Bằng.
Thấy người đàn ông lạ đề nghị đón gia đình về trung tâm bảo trợ xã hội, anh Sùng Pó Tủa lập tức từ chối bởi không tin. Anh nói “chỉ nghe lời của của trưởng công an xã ở quê”.
Nhận cuộc gọi của anh Toàn và đoàn thiện nguyện, ông Cà Văn Phương, trưởng công an xã Leng Su Sìn, xác nhận gia đình anh Sùng Pó Tủa di cư từ tỉnh Sơn La đến địa bàn từ nhiều năm trước. Vợ chồng này có 6 con, đứa lớn năm nay 17 tuổi đã lấy vợ, hiện ở rể.
Không có nhà ở, gia đình dựng lán ở tạm. Được cán bộ địa phương liên tục động viên, vợ anh chồng Tủa chăm chỉ đi làm thuê, tích góp được 20 triệu đồng. Cuối năm ngoái, họ quyết định mua một căn nhà trong bản, giá 70 triệu đồng. Anh Tủa xin nợ lại 50 triệu, hẹn đến tháng 10 năm nay trả.
Thấy khoản nợ lớn nếu chỉ làm thuê trong bản không đủ, cuối tháng 2, anh xuống gặp trưởng công an xã xin phép đi làm ăn xa. Không yên tâm bỏ 5 con ở nhà, vợ chồng quyết định đưa đi, tiện chăm sóc.
“Thấy vợ chồng Tủa có quyết tâm làm để trả nợ, muốn có nhà nên tôi ủng hộ, chỉ nhắc phải làm ăn chân chính, đi đường chú ý an toàn và cần hỗ trợ thì gọi điện thoại báo”, trưởng công an xã Cà Văn Phương nói.
Biết đoàn từ thiện xã Hữu Lũng muốn đưa gia đình anh Tủa về trung tâm bảo trợ để trẻ em được đến trường, tìm việc cho hai vợ chồng, ông Phương thuyết phục và nhận được sự đồng ý. Sáng 1/3, cả gia đình cùng toàn bộ đồ đạc, xe máy được chất lên ôtô về lại Lạng Sơn.
Trên đường về, đoàn từ thiện liên tục nhận cuộc gọi hẹn gặp để tặng quần áo, lương thực hoặc tiền mặt của nhiều mạnh thường quân, bởi thương gia cảnh khó khăn.
14h ngày 1/3, vợ chồng anh Tủa về tới Trung tâm Hy vọng tại xã Hữu Lũng. Tại đây gia đình 7 người được sắp xếp phòng ở riêng, đầy đủ tiện nghi.
Ông Nguyễn Trung Chắt, giám đốc Trung tâm Hy vọng, cho biết đơn vị đã làm các thủ tục tiếp nhận hỗ trợ gia đình, sau khi trình báo với chính quyền xã Hữu Lũng và xác minh nhân thân từ công an nơi thường trú.
Giám đốc trung tâm cho biết toàn bộ việc chăm sóc, cung cấp chỗ ăn, ở và đi học cho năm chị em sẽ do đơn vị lo liệu. Vài ngày tới ông sẽ đề nghị anh Tủa về địa phương làm giấy khai sinh, đặt tên cho 5 con để hoàn tất thủ tục đi học. Đơn vị và các tổ chức thiện nguyện sẽ hỗ trợ tìm việc để hai vợ chồng đi làm, sớm trả hết nợ.
“Khó khăn nhất là vợ và 5 người con không biết tiếng Kinh, rất khó để giao tiếp nên buộc phải dạy lại từ đầu. Hiện chúng tôi đang tìm mọi cách để cả gia đình sớm hòa nhập”, ông Chắt nói.
Gần hai ngày tìm và đón được gia đình anh Tủa, anh Toàn và các thành viên trong nhóm thiện nguyện nói rất vui bởi mong muốn duy nhất là hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống tốt hơn.
Nhận sự giúp đỡ của cộng đồng, anh Tủa liên tục cảm ơn vì vợ con có chỗ ngủ miễn phí, ăn uống đầy đủ. Người đàn ông 39 tuổi cho biết đang rất mong được đi làm để có tiền trả hết nợ.
Câu chuyện được chia sẻ lên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận. Nhiều người dùng mạng đã bày tỏ sự xúc động khi các mạnh thường quân, trung tâm bảo trợ giúp gia đình anh Tủa.
“Thật may mắn khi gia đình gặp được những tấm lòng vàng. Hy vọng tương lai sẽ tươi sáng sẽ đến với vợ chồng anh Tủa cũng như các con của mình”, người dùng mạng tên Bích Phương viết.
Nguồn: Sưu tầm