Cứ mãi bổn cũ soạn lại
Thời gian qua, trong khi dư luận quốc tế đánh giá cao những thành tựu về nhân quyền mà Việt Nam đạt được, trên mạng internet lại xuất hiện những thông tin sai trái, không đúng thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Gần đây cũng vậy, khi Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng (Giám đốc Trung tâm Change) 3 năm tù về tội “trốn thuế”; Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Tố Nhiên (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam) để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 342 Bộ luật Hình sự, các đối tượng tiếp tục “bổn cũ soạn lại”.
Theo cáo trạng được công bố tại Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2012 – 2022, Trung tâm Change đã phát sinh doanh thu 69 tỷ đồng nhưng Hoàng Thị Minh Hồng chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng, kê khai thuế… trốn thuế hơn 6,7 tỷ đồng. Tại tòa, Hoàng Thị Minh Hồng thừa nhận hành vi vi phạm và đã vận động gia đình khắc phục hơn 3,5 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của bị cáo Hồng tại tòa phù hợp với kết quả điều tra nên cáo trạng truy tố là có căn cứ. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hồng như: khắc phục hậu quả, khai báo thành khẩn…
Về vụ án đối với Ngô Thị Tố Nhiên, ngày 20/9, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Tố Nhiên để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 342 Bộ luật Hình sự. Cùng bị bắt với Ngô Thị Tố Nhiên còn có Dương Đức Việt (chuyên viên cao cấp Ban Quản lý đầu tư Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, thuộc Tập đoàn EVN) và Lê Quốc Anh (sinh năm 1984, Trưởng Phòng phân tích hệ thống Công ty Tư vấn điện 1). Cả hai bị bắt về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định từ năm 2020, Ngô Thị Tố Nhiên đã biết Việt và Anh là những người có quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, về lưới điện 500kV, 220kV. Ngô Thị Tố Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với Việt, Anh theo hình thức bán thời gian, có trả lương. Hai bị can trên đã cung cấp các tài liệu của EVN cho Nhiên. Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án này.
Vậy rõ ràng, bản chất hai vụ việc trên là hoạt động điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Thế nhưng, sau khi Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên án, Ngô Thị Tố Nhiên bị khởi tố, đã có những thông tin sai lệch đăng tải với những nội dung bóp méo, vu cáo là kết án Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, 3 năm tù vì tội “trốn thuế”, một bản án minh họa cho bầu không khí đàn áp nhắm vào những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Những thông tin này cho rằng: “Đằng sau việc Hà Nội đàn áp giới hoạt động môi trường”, “Việt Nam: Cần cải cách nhân quyền gấp”, “Việt Nam: Hãy hủy bỏ các cáo buộc với nhà hoạt động khí hậu”. Họ hồ đồ kết luận “các vụ bắt giữ là một phần của chiến dịch đàn áp các nhóm xã hội dân sự trong những năm gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Có thông tin vô căn cứ cho rằng dường như “có động cơ chính trị”, nhằm mục đích trấn áp rộng rãi hơn đối với những người bảo vệ quyền đất đai và môi trường ở Việt Nam và đòi “can thiệp khẩn cấp” (!?).
Những người đưa thông tin trên cố tình lờ đi sự thật rằng, những vụ án nêu trên đã được các cơ quan chức năng thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật Việt Nam. Các phiên tòa đều diễn ra công khai, nội dung, diễn biến vụ án đã được đăng tải đầy đủ trên các mặt báo chứ không có chuyện “úp mở, che giấu thông tin”.
Chúng cố tình tự “bưng tai”, “bịt mắt” về việc ngày 28/9 tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng đã thành khẩn thừa nhận: “Sai phạm của bị cáo là quá tập trung vào vấn đề chuyên môn nghiệp vụ mà không cập nhật thông tin, kiến thức về thuế. Để đến hôm nay, phải đứng trước tòa là bài học rất đắt giá. Bị cáo cảm ơn các cơ quan chức năng giúp bị cáo hiểu rõ các quy định về thuế”.
Theo bị cáo Hồng, vụ án không chỉ là bài học cho mình mà còn cho các tổ chức đang giải quyết các vấn đề xã hội, cần phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước trong quá trình hoạt động. Bị cáo đã xin tòa xem xét cho mức án thấp để sớm về với gia đình, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Đến đây, có lẽ không cần bàn luận thêm!
Mục đích “bổn cũ soạn lại” là muốn dẫn dắt cộng đồng quốc tế và trong nước tới sự hiểu lầm tai hại về bức tranh nhân quyền ở Việt Nam, chúng lấy danh nghĩa “nhân quyền quốc tế” ra các thông cáo sai lệch về tình hình Việt Nam hòng tìm kiếm sự can thiệp vào nội bộ nước ta. Phương thức quen thuộc vẫn là khoác lên các vụ án, bị can, bị cáo phạm tội hình sự, kinh tế, những nhãn mác rởm như: “nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ”, “nhà hoạt động tôn giáo”, “nhà hoạt động môi trường”…
Trước những chiêu trò này, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/9, Trung tướng Tô Ân Xô – Người Phát ngôn Bộ Công an đã chỉ rõ: Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau khi Nhiên bị khởi tố, có thông tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường. Bộ Công an bác bỏ luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp hoạt động nội bộ của Việt Nam. Hoàn toàn không có chuyện bắt các nhà hoạt động môi trường.
“Đây là việc chiếm đoạt thông tin, tài liệu của tổ chức, cơ quan, vì đây là các tài liệu nội bộ không được chia sẻ, không được công bố công khai, thuộc danh mục tài liệu mật”, ông Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Phải khẳng định, ở Việt Nam, mọi cá nhân, hội, tổ chức phi chính phủ đều được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình. Chỉ những người vi phạm pháp luật, những người phạm tội mới bị bắt, giam giữ và điều tra, xét xử. Công – tội phân minh. Không có việc Việt Nam “giam giữ tùy tiện các nhà bảo vệ môi trường” hay bắt giữ những người “bất đồng chính kiến” như những kẻ nhân danh tổ chức nào đó rêu rao.
Nhân đây cũng nhắc thêm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về các vấn đề này đã được ban hành xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Kể từ khi đất nước đổi mới, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) đã đề ra phương hướng: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Việt Nam luôn nhất quán phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp… Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050. Chính với quan điểm “Vì một Việt Nam xanh”, Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ đề ra đã được dư luận hết sức đồng tình, hưởng ứng. Nhiều hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây đã diễn ra trên khắp cả nước thời gian qua đã cho thấy quyết tâm hoàn thành mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi hệ sinh thái, tăng cường màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay chính mỗi gia đình tại khu đô thị, nông thôn nước ta.
Đối với việc bảo đảm thực thi quyền con người, thực tế cũng cho thấy, sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, chúng ta đều cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Nhờ thành tựu trong hoạt động lập hiến, lập pháp, việc bảo đảm quyền con người đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội.
Không chỉ nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam trong những năm gần đây còn tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và thế giới. Điều này thể hiện rõ thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 – 2025. Và vừa qua, với số phiếu cao, Việt Nam đã chính thức trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ thứ 2 (2023 – 2025).
Như vậy, có thể khẳng định rằng những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được chính là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng, là vì quyền con người. Vì vậy, những luận điệu sai trái này chỉ là những tiếng nói lạc lõng, đơn lẻ, nhằm bối xấu Việt Nam, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Âm mưu thâm độc của chúng là muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đó chính là hành vi, thủ đoạn vi phạm nhân quyền ở mức cao nhất, hành vi xâm phạm quyền tự quyết của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Việc bắt giữ, điều tra, xét xử đối với công dân vi phạm pháp luật là công việc nội bộ của Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân nào đứng ra bênh vực và đòi trả tự do ngay lập tức cho những người vi phạm pháp luật như Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việc làm ấy vừa vi phạm nghiêm trọng công ước, vừa trái nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác!
Sưu tầm