Chàng trai biến xương rồng tai thỏ thành thực phẩm
Từ bỏ công việc ổn định với mức lương tốt, anh Trần Bảo Huy lập nghiệp với cây xương rồng tai thỏ. Không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng từ loài cây này mà anh còn giúp người nông dân có thêm thu nhập nhờ trồng xương rồng tai thỏ.
Năm 2011, anh Bảo Huy tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và làm việc cho một tập đoàn Nhật Bản tại TP.HCM với mức lương tốt. Sau 7 năm đi làm, anh nhận thấy đã đến lúc thay đổi công việc, tìm hướng đi mới. Thế là anh cùng vợ quyết định rời TP.HCM đến TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để kinh doanh homestay. Quá trình thi công và thiết kế homestay, anh Huy đi tìm mua xương rồng tai thỏ về trang trí không gian nhà và biết được loại xương rồng này có thể dùng để chế biến thức ăn, đồ uống. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng lập nghiệp với loài cây này.
“Năm 2021, tôi mua 3.000 cây xương rồng tai thỏ để trồng thử nghiệm tại TP.Đà Lạt. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết không phù hợp, côn trùng phá hoại khiến cây hư hại nặng nề. Sau lần thất bại, tôi tìm tòi nghiên cứu về đặc tính, cách chăm sóc loại cây này”, anh Huy nói.
Nhận thấy vùng đất H.Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, nơi khí hậu khô hạn, đất sỏi đá sẽ phù hợp với cây xương rồng tai thỏ nên anh Huy đã rời Đà Lạt đến đây. Mọi thứ liên quan đến cây này anh đều phải tự mày mò học, từ làm đất, trồng cây đến chế độ chăm bón, cắt tỉa thân…
Qua thời gian kiên trì chăm sóc, cây phát triển tốt, có thể thu hoạch để chế biến các sản phẩm. Anh Huy bắt đầu xây dựng nhà xưởng để tiến hành nghiên cứu sản phẩm trà, nước ép từ xương rồng tai thỏ.
Giữa lúc mọi thứ đang thuận lợi thì chủ nhà xưởng mà anh Huy đang thuê yêu cầu trả lại mặt bằng, anh dời về H.Phú Hòa, tỉnh Phú Yên xây dựng nhà xưởng và mở rộng diện tích trồng 5.000 cây. Anh bắt tay vào chế biến trà, nước ép xương rồng nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới thành công, còn trước đó, sản phẩm đều thất bại.
Sau hơn 3 năm nghiên cứu với hàng trăm thử nghiệm, anh Bảo Huy cho ra mắt thị trường các sản phẩm chế biến sâu từ cây xương rồng. Bên cạnh đó, anh còn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc xương rồng tai thỏ cho 20 hộ nông dân trong vùng. Đến giai đoạn thu hoạch, anh Huy thu mua làm nguyên liệu đầu vào.
“Các bé xương rồng sau khi thu hoạch được chuyển đến nhà xưởng rửa sạch, gọt bỏ gai, xử lý chất nhờn và tiến hành chế biến thành nước ép, trà, xương rồng muối chua. Giai đoạn gọt bỏ gai là tốn nhiều thời gian và khó nhất”, anh Huy chia sẻ và cho biết đã đưa sản phẩm đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá để được cấp chứng nhận về chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
“Tôi mong rằng sản phẩm từ xương rồng tai thỏ của mình sẽ được người tiêu dùng đón nhận”, anh Huy kỳ vọng.
Nguồn: Báo Thanh Niên