Câu chuyện về người lính tham mưu trên trận tuyến chống ‘giặc lửa’

ĐTN: Gắn liền với mặt trận không tiếng súng, không tội phạm nhưng đầy gian nan, Đại úy Phạm Thanh Nam – Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an Nghệ An đã trải qua nhiều thăng trầm, thử thách trong 10 năm gắn bó với nghề.

Sau nhiều nỗ lực, anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và là đại diện của tuổi trẻ Nghệ An vinh dự đón nhận giải thưởng Lý Tự Trọng cấp Trung ương năm 2023.

Người đứng sau những chiến công thầm lặng

Tôi gặp Đại úy Phạm Thanh Nam – Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An trong một ngày Hè nóng rát tại huyện Nam Đàn, khi anh đang cùng các đồng đội tạo đường băng cản lửa tại dãy núi Đại Huệ vào năm 2019. Thời điểm đó, mỗi khi Hè đến thì nhiều người dân xứ Nghệ lại sống trong nỗi thấp thỏm lo âu trước vấn nạn cháy rừng. Nhiều địa bàn như: Đô Lương, Nghi Lộc, Thanh Chương liên tục nhận được những tin báo cháy thất thiệt. Để giảm thiểu nỗi lo đó, với vai trò là Bí thư Đoàn của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Đại úy Phạm Thanh Nam đã huy động hơn 200 đoàn viên, thanh niên của đơn vị để phối hợp với lực lượng địa phương mở đường băng cản lửa dài hơn 2km.

Mô hình đường băng cản lửa nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong công tác phòng cháy tại những địa bàn trọng điểm của Tỉnh.

Đây dường như đã trở thành công việc quen thuộc đối với anh bởi nhiều năm qua, tại những địa bàn có nguy cơ cháy cao thì anh và những đồng đội của mình đã thường xuyên vận động và trực tiếp phối hợp để thực hiện hiệu quả mô hình này. Từ đây đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân cũng như hình thành cách làm hay trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Khi công việc đã vãn, anh mới có dịp trải lòng về cơ duyên gắn bó với nghề. Theo chia sẻ, anh là người con của mảnh đất miệt biển Quỳnh Lưu. Ngay từ thuở nhỏ, anh đã sớm học được tác phong, quy cách sống từ bố mình – một chiến sĩ Công an nhân dân. Anh đã nỗ lực thi đậu vào Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Sau khi tốt nghiệp, năm 2013 anh được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh. Với sự cố gắng và nỗ lực học hỏi, anh nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ được giao và được đồng đội, cấp trên tin tưởng.

Đại úy Phạm Thanh Nam – Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tặng đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 5 năm liền (2018 – 2022).

Đảm nhận nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tham mưu và xây dựng các kế hoạch phòng ngừa sự cố cháy, nổ, Đại úy Phạm Thanh Nam thường xuyên phải cập nhật và nghiên cứu những văn bản, quy định mới để chủ động tham mưu với lãnh đạo đơn vị thực hiện hiệu quả các phương án chữa cháy cơ sở trọng điểm. Đồng thời xây dựng kế hoạch mở các lớp thực tập phương án chữa cháy cho lực lượng cơ sở, dân phòng trên địa bàn tỉnh. Công việc này nghe qua thì có vẻ đơn giản, vậy nhưng các đợt diễn tập cấp tỉnh thường huy động hàng trăm người và hàng chục phương tiện tham gia.

Dù đã có kịch bản từ trước nhưng để có thể phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng chuyên nghiệp và không chuyên là một việc không hề dễ dàng. Tổ phục vụ áp lực, bởi phải đòi hỏi sự phối hợp chính xác trong từng hành động của người chỉ huy điều hành, người thuyết minh và những hình ảnh do camera ghi nhận. Đã có những trường hợp phát sinh không như tình huống dự kiến buộc người chỉ huy phải bình tĩnh và khéo léo xử lý để điều hành, giúp cuộc diễn tập được diễn ra đúng theo thời lượng đề ra. Và trong những hoàn cảnh đó, đồng đội luôn đánh giá cao sự bình tĩnh, linh hoạt để giải quyết vấn đề từ Phạm Thanh Nam.

Không chỉ hoàn thành tốt công việc tham mưu mà trong nhiều trường hợp Đại úy Phạm Thanh Nam còn trực tiếp có mặt tại hiện trường để tham gia quá trình cứu nạn cứu hộ. Còn nhớ vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực kho hàng rộng gần 2.000m2 tại khu vực chợ Vinh vào năm 2018 đã khiến cho nhiều tiểu thương nơi đây đứng ngồi không yên. Ngay khi nhận tin báo, Đại úy Phạm Thanh Nam đã lập tức báo cáo, tham mưu lên cấp trên để lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh huy động 7 xe cứu hỏa cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường để dập lửa, di dời những tài sản, hàng hóa trước khi đám cháy lan rộng.

Đến 14h30 chiều cùng ngày, đám cháy vẫn chưa được khống chế. Cột khói từ vụ cháy bốc cao hàng chục mét. Lúc này, anh đã tham mưu Lãnh đạo đơn vị tiếp tục điều động lực lượng, phương tiện chi viện để di dời hàng hóa, đảm bảo an ninh trật tự, liên tục bơm nước từ trên mái nhà kho và dùng búa phá tường để khói thoát ra bên ngoài. Sau nhiều giờ chiến đấu với “giặc lửa”, đám cháy đã được hoàn toàn dập tắt.

Đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm trong hơn 10 năm gắn bó với nghề và 7 năm gắn bó với vai trò Đội phó đối với Đại úy Phạm Thanh Nam. Bởi là lực lượng nòng cốt, chủ công trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đơn vị đã ghi dấu ấn khi hỗ trợ thoát nạn cho hàng trăm người trong các vụ cháy. Chỉ tính riêng năm 2022, đơn vị của anh đã trực tiếp cứu được 42 người; tìm kiếm, trục vớt được 38 thi thể nạn nhân bị đuối nước và sự cố tai nạn; giá trị tài sản cứu được ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng

Nằm cách trung tâm xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong) ước chừng 17km đường chim bay, bản Huồi Máy có 38 hộ dân là đồng bào dân tộc Khơ mú với 100% là hộ nghèo. Chứng kiến những thiếu thốn của các em nhỏ nơi đây, Đại úy Phạm Thanh Nam với vai trò là Bí thư Đoàn của cơ quan Phòng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã cùng với lực lượng đoàn viên, thanh niên trong đơn vị đứng ra quyên góp, ủng hộ một sân chơi thiếu nhi cho điểm Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đứng chân trên địa bàn bản Huồi Máy. Hơn một năm qua, công trình đã thực sự trở thành người bạn tinh thần của các em học sinh nơi sơn cùng thủy tận này.

Đại úy Phạm Thanh Nam – Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Nghệ An (bìa trái) tham gia hiến máu tình nguyện.

Những dấu chân tình nguyện của Đại úy Phạm Thanh Nam cùng những người trẻ còn lưu dấu ấn tại mảnh đất rẻo cao Kỳ Sơn khi năm vừa qua anh cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên trong đơn vị hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo tại xã Mường Típ. Và rồi những chương trình tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện với số tiền quyên góp được hơn 140 triệu đồng cũng đã mang đến những món quà ý nghĩa cho những người dân trên địa bàn khó khăn của tỉnh.

Trên mặt trận tinh thần, Đại úy Phạm Thanh Nam cùng lực lượng đoàn viên, thanh niên Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu xây dựng bộ “Cẩm nang hướng dẫn công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Đây là bộ cẩm nang có ý nghĩa đặc biệt trong công tác tuyên truyền, áp dụng cho tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy ngay từ cơ sở.

Với vai trò là Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Đại úy Phạm Thanh Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng với tuổi trẻ đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình hướng về bà con vùng khó khăn.

Trong đó, với vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên, anh đã tổ chức duy trì 11 tổ tuyên truyền tại các Chi đoàn trực thuộc, trong đó bí thư các chi đoàn làm tổ trưởng để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trang bị kiến thức cho hơn 13.000 lượt người tham gia trong năm qua.

Có thể thấy, cuộc chiến với “giặc lửa” bao giờ cũng gian nan, vất vả, hiểm nguy. Song với nỗ lực của một người lính được tôi luyện từ lửa, Đại úy Phạm Thanh Nam cùng với những đồng đội của mình đã tô thắm thêm truyền thống quý báu, trang sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nói riêng.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments