Cảnh giác chiêu bài lợi dụng hiện tượng “lệch chuẩn” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội đã lợi dụng những hiện tượng “lệch chuẩn” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng, Nhà nước. Một hiện tượng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là việc Dương Thu Hương – một nhà văn gốc Việt sống nhiều năm lưu vong ở Pháp được nhận giải thưởng Cino Del Duca (Giải toàn cầu) năm 2023 về một tác phẩm được cho là “mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Đáng chú ý, nhiều đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng hiện tượng này để xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chủ trương của Đảng về khơi dậy tự do sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ khiến không ít nhà văn, nhà thơ đã lên tiếng cổ súy cho những luận điệu sai trái đó. Do vậy, rất cần nhận diện rõ bản chất của hiện tượng này và có luận cứ đấu tranh phản bác.
Nhận diện thực chất của cái gọi là “tác phẩm văn học mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại” và những hiện tượng “lệch chuẩn” tương tự
“Tác phẩm văn học mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại” là danh hiệu mà Giải thưởng Cino Del Duca của Viện Hàn lâm Pháp trao cho Dương Thu Hương – một nhà văn Việt Nam đã rời bỏ Tổ quốc sang sinh sống tại Pháp. Điều đáng nói là giải thưởng này là giải thưởng khá nổi tiếng của Pháp – một quốc gia luôn được biết đến nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới. Giá trị giải thưởng này cũng khá lớn (200.000 Euro) – chỉ sau giải Nobel. Do đó, việc Dương Thu Hương – một người sống lưu vong lâu năm ở Pháp được nhận Giải thưởng Cino Del Duca đã được coi là một “hiện tượng” và được giới truyền thông săn đón.
Từ giải thưởng của Dương Thu Hương, xuất hiện hai luồng ý kiến tiêu biểu như sau:
Một là, quan điểm của những phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Nhân sự kiện giải thưởng của Dương Thu Hương, một số phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã “tát nước theo mưa” để tung hô “tài năng” của Dương Thu Hương và cho rằng “Ở trong nước không có tự do sáng tạo nên những nhà văn như Dương Thu Hương luôn bị vùi dập”. Cũng từ đây, có không ít người mơ mộng rằng “Muốn mở mày mở mặt với thế giới thì nhà văn Việt Nam phải sang phương Tây”. Do đó, có không ít người sống bằng nghề viết văn nuôi ảo vọng sang phương Tây để được các nước văn minh công nhận “tài năng và nhân cách xuất chúng” giống như Dương Thu Hương!
Hai là, quan điểm của những phần tử thù địch, phản động nước ngoài. Vốn có ý thức hệ luôn đối lập với ý thức hệ vô sản ở nước ta, các phần tử thù địch luôn nhân dân “dân chủ”, “nhân quyền” để “để mắt” đến những người vốn có “tài năng” nhưng “không được trọng dụng đúng mức” nên phải sống lưu vong ở nước ngoài như Dương Thu Hương. Do đó, khi Dương Thu Hương nhận giải thưởng Cino Del Duca của Viện Hàn lâm Pháp, các phần tử thù địch nước ngoài đã thông qua các trang truyền thông phản động như VOA, RFA để loan tin về giải thưởng này một cách rầm rộ và không tiếc lời tung hô Dương Thu Hương bằng những lời lẽ hoa mỹ như “nhà văn có sự nghiệp và nhân cách xuất chúng”. Không chỉ có vậy, trên các trang mạng phản động còn lan tràn những thông tin xấu độc với những giọng điệu kích động “báo chí Việt Nam đã tỏ rõ sự hiềm tị” khi không đưa tin hoặc vinh danh Dương Thu Hương và quy kết “đó là sự trù dập một tài năng đã được thế giới ghi nhận”!
Có thể nói, những luận điệu trên đã tạo thành một luồng dư luận sôi nổi với nhiều thông tin trái chiều. Đáng chú ý, có không ít kẻ đã lợi dụng sự việc này để lên tiếng công kích, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Luận điệu của họ là Đảng và Nhà nước Việt Nam đã “bóp nghẹt tự do sáng tạo”, “làm thui chột những tài năng xuất chúng” và lên tiếng kêu gọi thành lập những tổ chức văn học, nghệ thuật tách rời các tổ chức hội nghề nghiệp đã có trước đó. Thực chất của những luận điệu này là kích động cho việc thành lập “xã hội dân sự” ở Việt Nam.
Những thủ đoạn trên không quá xa lạ bởi trước đó, một số văn nghệ sĩ, trí thức đã kêu gọi hô hào, ủng hộ vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” với danh nghĩa là để chấn hưng nền văn học nước nhà. Đáng nói, một trong những người khởi xướng cho chủ trương này chính là một nhà văn nổi tiếng trước đây với những tác phẩm mang đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi đất nước có chiến tranh nhưng lại có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên được các thế lực thù địch để mắt đến, tập hợp thành “ngọn cờ” để chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, thực chất ý đồ của tổ chức “Văn đoàn độc lập” là hình thành một tổ chức chính trị bất hợp pháp của những văn nghệ sĩ, trí thức, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội nhưng có tư tưởng cực đoan, bất mãn để chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhóm người này đã lợi dụng mạng xã hội để gieo rắc những tư tưởng sai trái, phiến diện về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, “bôi đen”, “xét lại” lịch sử gây tâm lý hoài nghi, hoang mang cho một bộ phận quần chúng nhân dân. Do đó, đây là những hiện tượng “lệch chuẩn” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật không thể coi thường, xem nhẹ.
Phản bác chiêu bài lợi dụng hiện tượng “lệch chuẩn” trong lĩnh vực văn học để chống phá Đảng, Nhà nước
Mặc dù việc Dương Thu Hương nhận Giải thưởng Cino Del Duca nằm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, do một tổ chức nước ngoài trao thưởng nhưng nó lại ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận trong nước không chỉ bởi bản thân người được nhận giải và những sáng tác của họ mà còn bởi có những thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã nhân danh việc này để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do đó, cần có những luận cứ xác đáng để đấu tranh phản bác trên từng phương diện cụ thể.
Một là, Dương Thu Hương thực chất có phải là một người có nhân cách xuất chúng?
Dương Thu Hương sinh năm 1947 tại Thái Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà có tham gia thanh niên xung phong, phục vụ cho một đoàn văn công ở quân khu Bình Trị Thiên. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bà sống bằng nghề viết văn và đã từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, do suy thoái về tư tưởng chính trị, lại bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng hằn thù dân tộc sau chiến tranh nên Dương Thu Hương đã sáng tác một số tác phẩm phản ánh lệch lạc lịch sử, nói xấu chế độ, kích động tư tưởng chống đối. Như một lẽ tất yếu, tháng 4/1991, Dương Thu Hương bị bắt. Sau khi ra tù, được sự trợ giúp của nhóm chống cộng hải ngoại, Dương Thu Hương sang Pháp định cư, tiếp tục viết sách, làm bồi bút cho một số tổ chức người Việt phản động sống lưu vong. Cũng từ đây, tư tưởng hằn thù dân tộc của Dương Thu Hương càng rõ hơn khiến bà ta thường xuyên được sự hậu thuẫn của một số trang truyền thông phản động ở nước ngoài như VOA, RFA… đăng tải các sáng tác, những quan điểm lộ rõ ý đồ chống phá chế độ. Cũng vì thế, bà ta ngày càng được nhóm hải ngoại phản động tung hô, trở thành “người có nhân cách xuất chúng” và bà ta tự cho mình là “cái rỗn của vũ trụ”!
Thực chất, Dương Thu Hương chỉ là một đảng viên đã thoái hóa, biến chất, đánh mất hết liêm sỉ của một người cộng sản. Điều tệ hại hơn là bà ta lại luôn có tư tưởng vọng ngoại nên trong suy nghĩ của bà ta, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc chỉ là cuộc “nội chiến”. Bà ta hết lời ca ngợi chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, ca ngợi những văn minh mà người Mỹ mang đến cho “An Nam” – cách gọi đầy miệt thị mà Dương Thu Hương dùng lại của người Pháp đã dùng với nước ta trong cuộc “khai hóa văn minh”. Không chỉ có vậy, Dương Thu Hương tuy đã từng là một thanh niên xung phong tham gia chiến đấu để bảo vệ đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng bà ta lại luôn “bôi đen” lịch sử của dân tộc. Đáng chê trách hơn cả, với chiêu bài “hạ bệ thần tượng” được các thế lực phản động lưu vong giật dây, Dương Thu Hương còn xuyên tạc, phỉ báng công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam… Với tất cả những điều đó, thử hỏi Dương Thu Hương có thật sự là một người có “nhân cách xuất chúng” như các trang truyền thông phản động vẫn tung hô hay thực chất chỉ là một kẻ phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lịch sử của dân tộc, một kẻ bồi bút lộng ngôn bị các thế lực thù địch giật dây để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta?
Hai là, những sáng tác của Dương Thu Hương thật sự có phải “mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại” nên đáng được tung hô?
Trong cuộc đời cầm bút của mình, Dương Thu Hương có một số tác phẩm hay được công chúng nhắc đến là “Bên kia bờ ảo vọng”, “Thiên đường mù”, “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen”, “Tiểu thuyết vô đề”, “Đỉnh cao chói lọi”… Những tác phẩm này chủ yếu lấy đề tài từ cuộc kháng chiến chống Mỹ hay đời sống của giới văn nghệ sĩ, trí thức trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận hay thời kỳ đất nước chuyển mình những năm đầu đổi mới… Là một người cầm bút, lẽ ra các tác phẩm không chỉ phản ánh “hơi thở của thời đại” mà còn thể hiện thông điệp tích cực về cuộc sống hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ nhưng nhìn chung các sáng tác của Dương Thu Hương đều cố ý khoét sâu vào những khó khăn, lạc hậu của đất nước sau chiến tranh với giọng điệu đầy miệt thị, ngang ngược. Không chỉ có vậy, Dương Thu Hương còn thường xuyên dùng những hình ảnh ẩn dụ như “thiên đường mù”, “bầy quạ đen” để võ đoán về một tương lai tăm tối của dân tộc. Không những thế, từ việc khoét sâu vào những hạn chế, yếu kém vụn vặt trong cuộc sống của các nhân vật, Dương Thu Hương vội vàng, chủ quan quy kết đó là do những sai lầm của Đảng, Nhà nước Việt Nam!
Hai sáng tác thể hiện rõ tư tưởng phản động của Dương Thu Hương là “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen” và “Đỉnh cao chói lọi”. Trong “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen”, Dương Thu Hương đã hùa theo giọng điệu của những người chống phá cách mạng Việt Nam khi cho rằng “Cộng sản Bắc Việt đã gây ra cuộc chiến tranh làm hàng triệu người thảm tử”, thậm chí bà ta còn lên tiếng phỉ báng lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta khi gọi cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Việt Nam là “lịch sử bất hạnh của một dân tộc hèn mọn”! Trong “Đỉnh cao chói lọi”, Dương Thu Hương còn dùng những từ ngữ cay độc để hạ bệ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh – điều mà không một người Việt Nam chân chính nào cho phép. Vì vậy thật dễ hiểu tại sao khi Dương Thu Hương đặt chân đến đất Pháp lại nhưng chóng được các lực lượng phản động hải ngoại săn đón, tung hô để bà ta tiếp tục làm bồi bút cho chúng.
Chúng ta không miệt thị việc những người Việt Nam được các tổ chức nước ngoài trao giải thưởng vì điều đó cho thấy những đóng góp của người Việt Nam đã được ghi nhận. Chưa bàn đến việc trao giải cho Dương Thu Hương có phải là một chiêu bài chính trị hay không nhưng rõ ràng, tiêu chí đánh giá các sáng tác của Dương Thu Hương “mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại” là không phù hợp với người Việt Nam. Trong lịch sử văn học Việt Nam, đã có nhiều tác phẩm văn học mang giá trị nhân văn được tôn vinh – dù chưa được nhận một giải thưởng nào chính thức – nhưng những tác phẩm đó vừa phải phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, nhất là những thắng lợi vĩ đại của dân tộc đã đi vào lịch sử và được thế giới công nhận song cũng phải hướng con người đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Dó đó, những tác phẩm của Dương Thu Hương xa lại với giá trị nhân văn của người Việt Nam, chưa kể đến là luôn lộ rõ ý đồ chống phá, hà cớ gì mà được truyền thông Việt Nam và những người Việt Nam chân chính tung hô!
Ba là, có phải Đảng và Nhà nước Việt Nam làm “thui chột” tự do sáng tạo của các văn nghệ sĩ?
Có thể khẳng định, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam là nền văn học, nghệ thuật cách mạng với sứ mệnh phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Do đó, văn học, nghệ thuật phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và không thể tách rời văn học, nghệ thuật với chính trị. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ như sau: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[1]. “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân… Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”[2]. Đối với mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và tự do của văn nghệ sĩ, Người luôn chỉ rõ: dân tộc bị áp bức thì văn nghệ sĩ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do phải tham gia cách mạng… Điều này có nghĩa là không phải Đảng ta không chú trọng đến tự do của các văn nghệ sĩ nhưng tự do phải gắn liền với trách nhiệm phụng sự Tổ quốc.
Trong bài phát biểu Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc giải phòng mình”[3].
Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật không những không áp đặt mà còn tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn đề cao vai trò của văn học, nghệ thuật: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”[4]. Từ đó, Đảng định hướng để văn học, nghệ thuật phát huy cao nhất chức năng hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ vì khát vọng cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật không phải là sự áp đặt mà đó là nhu cầu khách quan để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc và đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển toàn diện của văn học, nghệ thuật để đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú và lành mạnh của nhân dân cũng như trở thành “một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”[5].
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, không can thiệp sâu vào cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, phương pháp sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn học – nghệ thuật… Đảng chủ trương: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”[6]. Bởi vậy, Đảng thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo đối với văn học, nghệ thuật theo hướng vừa bảo đảm để văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Từ đó có thể thấy, quan điểm “văn học, nghệ thuật phải độc lập với chính trị” không những có tính chất sai lầm học thuật mà còn là luận điệu xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật. Do đó, ở Việt Nam không thể có cái gọi là “Văn đoàn độc lập” cũng như không thể có thứ văn học, nghệ thuật đứng ngoài chính trị. Vì thế, những người cầm bút tự cho mình đứng ngoài sứ mệnh của văn học, nghệ thuật hoặc sáng tạo những tác phẩm đi ngược lại với lịch sử của dân tộc, xa lạ với khát vọng Chân – Thiện – Mỹ của nhân dân thì đều phải đấu tranh để trả lại đúng giá trị của văn học chân chính.
Như vậy, giải thưởng của Dương Thu Hương chính là biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng “lệch chuẩn” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hiện tượng. Đó là việc các phương tiện truyền thông, nhất là các trang truyền thông phản động ở nước ngoài tung hô một cách thái quá một “hiện tượng văn học” đi ngược lại với giá trị của các nhà văn chân chính và nền văn học cách mạng của dân tộc. Điều đáng nói là đây chính là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lên tiếng công kích, chống phá Đảng, Nhà nước ta, cổ xúy cho những chủ trương ngông cuồng của một nhóm văn nghệ sĩ suy thoái về tư tưởng chính trị về cái gọi là “Văn đoàn độc lâp”. Do đó, cần nhận diện rõ hiện tượng này để tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh trước những chiêu bài chống phá của các thế lực thù địch.
Sưu tầm