An toàn không gian mạng cho sinh viên

Sáng ngày 30.10, Báo Tiền Phong, T.Ư Hội sinh viên Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Anh quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “An toàn không gian mạng cho sinh viên”.

Tham dự chương trình có các đồng chí khách mời, diễn giả PGS. TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; đồng chí Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; TS. Hamza Mutaher, chuyên gia đến từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam; diễn viên Thu Quỳnh.

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ: Báo Tiền Phong chuẩn bị sinh nhật tuổi 70. 70 năm qua, chúng tôi miệt mài với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục tư tưởng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên,.

Có thể nói, với sự bùng nổ công nghệ thông tin, internet trở thành công cụ, môi trường mà bất kể người dân Việt Nam nào cũng sử dụng. Đặc biệt là các sinh viên luôn luôn cập nhật với công nghệ trong học tập, làm việc, nghiên cứu. Bên cạnh lợi ích thì có nhiều hệ lụy từ môi trường số. Các tình trạng như tung tin giả, lừa đảo của các loại tội phạm liên quan đến môi trường số, công việc, tình yêu hôn nhân.

Ở đâu đó còn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo, dân tộc, nhiều đối tượng kích động hành vi phi văn hóa, phi chuẩn mực trên môi trường mạng. Rủi ro của sinh viên là rất lớn nếu không kịp thời tuyên truyền, giáo dục thì một ngày nào đó những hệ lụy có thể xảy.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều hành lang pháp lý, từ chỉ thị, nghị quyết liên quan đến an toàn không gian mạng. Nhiều cơ quan như Trung ương Đoàn, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ GD&ĐT đều có kế hoạch bảo vệ đoàn viên, sinh viên, học sinh trên không gian số. Nhưng hành lang pháp lý đó vẫn chưa đủ cần tiếp tục hoàn thiện. Nhận thức, kỹ năng của các bạn trẻ để ứng phó không phải ai cũng có. Trước thực trạng đó, T.Ư Đoàn đã ban hành kế hoạch cuộc vận động với đoàn viên, thanh niên, ứng xử trên không gian mạng giai đoạn 2023 – 2030 với 4 nguyên tắc nòng cốt “Tuân thủ – Lành mạnh – An toàn – Trách nhiệm”, thông qua việc cam kết, các đoàn viên, thanh niên sẽ là những người tiên phong trong lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực, hướng tới một không gian mạng văn minh hơn.

Tại buổi tọa đàm, các đồng chí khách mời, diễn giả đã chia sẻ, thảo luận các nội dung: Sinh viên đang phải đối mặt với những nguy cơ, hiểm nguy nào khi hoạt động trên môi trường internet; Lỗ hổng kĩ năng, kiến thức của sinh viên trước các mối đe dọa ….Bên cạnh đó, cũng đưa ra các giải pháp mong muốn làm thế nào để sinh viên có được ứng xử văn minh, văn hóa và có hiệu quả trên không gian mạng. Phát huy những tích cực mà không gian mang lại và hạn chế những tác động tiêu cực của không gian mạng”.

Đồng chí Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn khẳng định, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư được triển khai sâu rộng đang ảnh hưởng đến thế hệ trẻ. Trong đó, sinh viên là lực lượng tiên phong, tinh túy nhất. Hiện có 77,93 triệu người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 32,4 tuổi. Vì vậy, có thể thấy, bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội là giới trẻ.

Đồng chí Nguyễn Nhất Linh, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn

“Tham gia mạng xã hội là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu không có cách tham gia phù hợp, chúng ta sẽ bị tụt hậu và gặp phải nhiều nguy cơ. Khi tham gia không gian mạng, giới trẻ có thể gặp phải những nguy cơ như: bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt trực tuyến, quấy rối trên không gian mạng và các tệ nạn khác như buôn bán người, nghiện game,… hoặc tiếp xúc với tin giả”, đồng chí Nguyễn Nhất Linh chia sẻ.

Sinh viên Lê Bảo Ngọc Minh, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho hay, thực tế sinh viên gặp 3 loại rắc rối, nguy hiểm khi tham gia môi trường số. Đó là cuộc gọi rác; ăn cắp thông tin hoặc tạo tài khoản fake trên mạng xã hội; tin nhắn cá nhân công kích, bình luận ảnh hưởng đến tâm lí của sinh viên.

Sinh viên Lê Bảo Ngọc Minh, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam

Trong 3 hình thức này, khó giải quyết nhất đối với sinh viên chính là những tin nhắn công kích cá nhân. Vì Ngọc Minh cho rằng có những tin nhắn riêng tư, bản thân em và các bạn cũng chưa biết sẽ phải mở lòng với cha mẹ thế nào.

Ngoài ra, Ngọc Minh chia sẻ hồi còn học THPT, em và nhóm bạn nữ trong lớp có tài khoản trên nền tảng instagram, em và các bạn gặp trường hợp bình luận trang phục mặc. Ngọc Minh có báo với cô chủ nhiệm nhưng cô không sử dụng nền tảng này nên không biết hướng xử lý như thế nào. Từ đó, Ngọc Minh và các bạn chuyển tài khoản sang trạng thái riêng tư, không dám công khai nữa vì lo sợ bị tấn công cá nhân.

Lừa đảo không chừa một ai, với tất cả người dân sử dụng Internet nhưng đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng được “focus”

Đồng chí Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong cẩm nang lừa đảo trực tuyến, Bộ TTTT có đưa lên thông tin đại chúng thì có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam.

Đồng chí Đinh Như Hoa, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong 13 hình thức đó thì đầu tiên có thể kể đến là lừa đảo combo du lịch giá rẻ, lừa đảo cuộc gọi, có cuộc gọi xưng hẳn là của Bộ TTTT. Nội dung như: quý vị có thể khóa trong 2h tiếp theo. Có nhiều giả mạo nở rộ quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…hoặc thậm chí có hiện tượng giả mạo từ các ngân hàng qua các tin có uy tín như ACD, có thông báo tài khoản của bạn có đang giao dịch ở nước ngoài. Và để phòng tránh các rủi ro mời click vào đường link này. Và khi cá nhân nhập vào thì bị ăn cắp thông tin cá nhân chứ không hẳn cả tiền.

Với những phản ánh mà chúng tôi nhận được, có rất nhiều cuộc gọi đến trao đổi là mời tham gia click vào các trang mạng mua sắm như shopee hay lazada. Và khi thực hiện các hành động mua hàng thật như thế thì sẽ được trả lại các khoản phí và các đối tượng sẽ trả phí rất đúng vào lần đầu. Nhưng sau khi người dân, rồi sinh viên tưởng họ trả đàng hoàng thì sẽ bị yêu cầu thực hiện giao dịch to hơn từ mấy chục và mấy trăm triệu đồng. Sau đó người dân và các bạn sinh viên bị thoát khỏi nhóm và mất toàn bộ số tiền.

24 hình thức lừa đảo với công dân mạng và 13 hình thức lừa đảo các sinh viên đã được chuyển thành cẩm nang phòng chống lừa đảo trực tuyến hay các infographic được các báo và trang mạng cập nhật trên mạng xã hội để mọi người được biết.

Qua chương trình tọa đàm, báo Tiền Phong và Trường Đại học Anh quốc Việt Nam mong muốn sinh viên luôn có được môi trường mạng an toàn để học tập, làm việc, giao lưu, làm giàu thêm đời sống tinh thần. Trên không gian thực hay không gian mạng, mọi hoạt động đều tác động trực tiếp đến con người. Môi trường ảo nhưng tác động, hiệu quả, hậu quả đều là thật. Tọa đàm An toàn không gian mạng cho sinh viên mong muốn mang đến một góc nhìn nhỏ trong bối cảnh đời sống của người trẻ trong môi trường ảo ngày càng phong phú, phức tạp.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments