Xứng tầm thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam

Thực hiện Quyết định 817/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, thành phố Việt Trì đã phát huy tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển thành phố văn minh, hiện đại song hành với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.

Việt Trì đang khoác lên mình vóc dáng đô thị hiện đại, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Với tiềm năng, lợi thế to lớn để tạo dựng, hình thành môi trường văn hoá mang đặc trưng Đất Tổ, Việt Trì đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch, hình thành, phát triển không gian lễ hội, bảo đảm kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đi đôi với công tác tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, Việt Trì đã xây dựng không gian trung tâm lễ hội như: Quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Khu di tích Bạch Hạc – Bến Gót, Đền Thiên Cổ Miếu – Trưng Vương, Đình Hùng Lô – xã Hùng Lô, Chùa Cát Tường – phường Tiên Cát, Miếu Lãi Lèn – xã Kim Đức… Hệ thống các công trình công cộng được đầu tư xây dựng, đi vào sử dụng (Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương…) đã tạo thuận lợi để phát triển đa dạng các dịch vụ vui chơi, du lịch, phục vụ nhân dân và du khách thập phương. Thành phố cũng đã xây dựng, khai thác có hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng “City tour Việt Trì” với chín điểm đến: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – Miếu Lãi Lèn – Đình Hùng Lô – Bảo tàng Hùng Vương- Trung tâm thương mại Vincom – Đình Thét – Làng rau an toàn Tân Đức- Quần thể di tích Đền, Chùa Tam Giang- Miếu Lãi Lèn…

Lễ hội bơi chải được tổ chức hàng năm nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng tại hồ Công viên Văn Lang, góp phần tạo dựng không gian văn hóa của thành phố Lễ hội.

Song hành với khôi phục, duy trì, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, thành phố không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống (Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa- Minh Nông, Lễ hội bơi chải truyền thống và tín ngưỡng thờ Mẫu – Bạch Hạc, Lễ hội cướp bông ném chài- Vân Phú, Lễ hội Đền Tiên- Tiên Cát, Lễ hội Đình Hùng Lô- Hùng Lô, Lễ hội Đình Lâu Thượng -Trưng Vương, Lễ hội rước Giải, hóa Giải và rước ông Khiu, bà Khiu – xã Thanh Đình, nghệ thuật trình diễn hát Xoan – xã Kim Đức, xã Phượng Lâu, nghệ thuật trình diễn bơi chải trên hồ Công viên Văn Lang… đã góp phần gìn giữ, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng vùng Đất Tổ. Hàng năm, Việt Trì tổ chức đa dạng các lễ hội mới để tạo dựng không gian văn hóa đa sắc, tạo điểm nhấn cho thành phố như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, Giải bơi chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên Văn Lang, chương trình Viettri Countdow…

Để xây dựng Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, thành phố xác định công tác chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại, “Sáng – xanh- sạch – đẹp, thân thiện với môi trường” đóng vai trò quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tích cực huy động, tranh thủ các nguồn lực, phát triển kinh tế- xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý, xây dựng văn hoá đô thị. Thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm; lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế – xã hội; xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối vùng, nội thị; hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước; mở rộng, chỉnh trang, nâng cấp các tuyến phố…

Theo đồng chí Đinh Tuấn Linh- Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố, năm 2022 Việt Trì đã hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040; thông qua đề án xã hội hoá xây dựng đường giao thông bằng bê tông nhựa, lát vỉa hè trên các tuyến đường nội thị thành phố giai đoạn 2022- 2025, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án đô thị văn minh hiện đại, từng bước đồng bộ hoá hạ tầng giao thông khu dân cư, cây xanh cảnh quan và giảm chi đầu tư từ ngân sách. Thành phố, các đơn vị trực thuộc và các phường đã khởi công một số dự án tuyến đường lớn, kết nối giao thông, tạo không gian đô thị; cải tạo, nâng cấp tuyến đường nội thị, tuyến kết nối Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành đầu tư xây dựng 20km đường giao thông nông thôn… Song song với đó, các công trình trang trí, chỉnh trang đô thị được tăng cường, góp phần xây dựng cảnh quan thành phố hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt, giải trí của người dân.

Lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” (phường Minh Nông) được khôi phục, nâng cao chất lượng tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia, góp phần quảng bá di sản, xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng thành phố lễ hội, Việt Trì đã triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025. Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên, địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, tự giác chấp hành Quy chế quản lý đô thị và các quy tắc ứng xử văn minh, văn hóa, tuyên truyền du khách khi tham gia lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị” và Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030, triển khai ký kết giao ước thi đua “Tự quản bảo vệ môi trường” tới 100% khu dân cư.

Nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Việt Trì tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, kiểm kê, đánh giá hiện trạng các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn để có phương án bảo tồn, tu bổ; duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương. Thành phố cũng tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường kết nối vào các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa tại các phường, xã; đề xuất cấp phép đầu tư xây dựng bến thủy kết nối các điểm di tích, điểm du lịch phục vụ du khách đường sông tại phường Tiên Cát, xã Phượng Lâu, xã Hùng Lô. Khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, kết hợp giáo dục truyền thống với sinh hoạt cộng đồng…triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tạo dựng thành phố lễ hội văn minh, “xanh – sạch – đẹp”, thân thiện, bảo vệ môi trường.

Khánh Duy (baophutho.vn)
FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments