Thanh niên người Mông khởi nghiệp trồng dâu tây trên đất cằn, thu trăm triệu mỗi năm

Giàng A Chứ, sinh ra và lớn lên tại bản Lèng Chư, xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Giàng A Chứ nhớ lại, năm 2009 sau khi học hết lớp 9, anh đi làm thợ xây ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Được vài năm anh thấy công việc bấp bênh không ổn định nên trở về quê hương phát triển kinh tế bằng việc trồng chuối rồi lấy vợ sinh con. Tuy nhiên, năm 2019 dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chuối không xuất bán được, Chứ thất vọng và tìm hướng phát triển kinh tế mới.

Năm 2020, tình cờ một lần được anh trai cho một ít giống cây dâu tây về trồng cho con ăn, Chứ thấy loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với khí hậu địa phương. Đặc biệt, cây dâu tây nhanh cho thu hoạch, quả mọng nhiều dinh dưỡng mà thị trường lại bán với giá cao, nên Chứ có ý tưởng trồng thử nghiệm một năm rồi nhân giống và mở rộng diện tích.

Được biết, toàn bộ diện tích trồng dâu tây trước đây vốn là đất ruộng bậc thang cằn. Do thiếu nước nên gia đình Chứ chỉ có thể canh tác một vụ rồi bỏ hoang chờ đến vụ sau mới sản xuất tiếp. Vốn tính cần cù chăm chỉ, Giàng A Chứ nhiều lần tìm cách trồng các loại cây khác nhau nhưng không phù hợp.Để có được vườn dâu tây phát triển như hiện nay, anh Chứ phải bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức.

Anh Chứ chia sẻ, khi mới trồng dâu tây, mình không có kiến thức về cách trồng và chăm sóc loại cây này, cho nên mình vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm kết hợp học trên mạng rồi áp dụng vào thực tế.

Để cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt mình đắp luống cao để cây không úng nước, tỉa bớt lá để cây tập trung ra nhiều quả và sử dụng ni lông phủ bên ngoài gốc cây để đất ẩm, tạo lớp ngăn cách quả với đất cho sạch cũng như hạn chế sâu bệnh gây hại quả.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, chàng thanh niên 9X Giàng A Chứ biến những mảnh ruộng bậc thang khô cằn thành vườn dâu tây xanh tốt, sai trĩu quả và thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Anh Chứ chia sẻ thêm, để có được vườn dâu như hiện nay, anh đầu tư trên 150 triệu đồng và hệ thống nước tưới phun sương nhằm đảm bảo độ ẩm cho cây. Vụ đầu tiên, vườn dâu cho quả sai, kích thước quả to, với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg, gia đình thu được trên 10 triệu đồng.

Thành công bước đầu tạo động lực khích lệ gia đình mở rộng diện tích. Năm 2022, anh trồng tiếp 500m2, thu được trên 60 triệu đồng. Đến năm 2023, gia đình tiếp tục trồng 800m2 và đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Trong khi đó, diện tích lúa gia đình vẫn gieo cấy một vụ, mỗi năm thu từ 7 đến 9 tạ thóc, chỉ đảm bảo nguồn lương thực cho cả nhà.

Năm nay, bình quân mỗi ngày Chứ thu 6 triệu đồng, hiệu quả ngoài mong đợi. Tận dụng thời gian dâu tây nở hoa, anh còn nuôi ong lấy mật, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Hiện dâu đang vào thời điểm chính vụ với những trái chín đỏ mọng ngay giữa lưng chừng núi thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm hái dâu. Nhiều khi vườn dâu không đủ sản phẩm cho khách đến tham quan mua về làm quà. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình dâu tây của Giàng A Chứ còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương.

Chị Lý Thị Mẩy tâm sự, chị làm thuê cho Chứ được 6 tháng, mỗi tháng chị có thu nhập 4 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình trang trải cuộc sống và sẽ gắn bó lâu dài khi làm việc tại đây. Nói về định hướng sắp tới, anh Chứ dự định sẽ mở rộng thêm diện tích để nhà nhà ai cũng được ăn trái dâu tây sạch Dào San. Mặt khác, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Anh Thào A Páo – Bí thư Đoàn xã Dào San cho biết, mô hình trồng dâu tây của Giàng A Chứ tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng cho nhiều đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số địa phương phát triển ý tưởng khởi nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã được anh Chứ hướng dẫn kỹ thuật để trồng dâu tây, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Nguồn: Sưu tầm

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
Video
FANPAGE
CÁC TRANG LIÊN KẾT