Thanh niên Lai Châu khởi nghiệp, làm giàu từ trồng trọt chăn nuôi
Tìm hiểu, nắm bắt và tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, anh Lường Văn Chùm (sinh năm 1989, dân tộc Thái, ở bản Ta Gia, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, Lai Châu) mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.
Nhớ lại thời điểm cách đây gần chục năm, anh Chùm kể, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Phú Thọ năm 2013, anh bắt đầu tìm kiếm công việc, đi làm thuê ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi bền vững cho tương lai.
Đến năm 2016, anh Chùm quyết định về quê bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Tham gia buổi đối thoại thanh niên chưa có việc làm với Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu lúc bấy giờ đã gợi mở cho anh Chùm hướng phát triển kinh tế ngay tại quê hương.
Nhận thấy địa phương có lợi thế từ lòng hồ Thủy điện Huổi Quảng, anh Chùm cùng một số thanh niên góp vốn, xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ với khởi điểm 10 lồng cá.
“Bắt tay vào thực hiện mô hình, tôi có rất ít vốn. Được sự hỗ trợ của Huyện đoàn, tôi vay 220 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư. Cùng với đó, do thiếu kinh nghiệm nuôi cá trong lồng nên cá bị chết và phát triển kém, đầu ra cũng khó tìm. Điều này khiến tôi trăn trở nhiều đêm”, anh Chùm chia sẻ.
Với sự quyết tâm của tuổi trẻ, chăm chỉ, không ngừng nỗ lực, chàng thanh niên tìm tòi, tích cực nghiên cứu áp dụng khoa học – kỹ thuật, học tập từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, trau dồi kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá.
Ngay cả những loại thức ăn của cá như cỏ voi, cây chuối, lá sắn hay ngô, gạo, đậu tương… cũng được anh Chùm tìm và chế biến một cách tỉ mỉ. Nhờ cách nuôi cá theo phương pháp truyền thống, sạch, an toàn, nên chất lượng thịt cá ngọt, săn chắc, được thị trường đón nhận.
Từ 10 lồng cá khởi nghiệp, đến nay anh Chùm phát triển lên 20 lồng cho thu nhập ổn định. Với giá bán từ 40.000 đồng/kg cá rô, 45.000 đồng/kg cá chép, 80.000 – 100.000 đồng/kg cá lăng, năm 2023, anh Chùm xuất bán 8 tấn cá, với thu nhập hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Chùm còn tạo việc làm thời vụ cho 2-3 lao động địa phương và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng cho đoàn viên thanh niên và người dân trong bản, xã. Hiện nay, trên địa bàn xã Ta Gia có 2 mô hình khởi nghiệp thành công nhờ sự hướng dẫn của anh Chùm.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh Đoàn Lai Châu nhằm tập hợp, đoàn kết thanh niên trong tỉnh.
Năm 2023, Tỉnh Đoàn triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong người trẻ.
Tỉnh Đoàn Lai Châu hỗ trợ 40 dự án thanh niên phát triển kinh tế với hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn; 250 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn; nhận ủy thác trên 920 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có 42 doanh nghiệp và chi nhánh Văn phòng đại diện do thanh niên làm chủ với tổng vốn đăng ký gần 18 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổ chức 7 lớp tập huấn cho 2.260 lượt đoàn viên thanh niên; tư vấn hướng nghiệp cho 82.485 lượt đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho 26.815 lượt đoàn viên, thanh niên, trong đó 8.273 đoàn viên, thanh niên đã có việc làm.
Tỉnh Đoàn Lai Châu còn hỗ trợ hiện thực hóa 260 ý tưởng khởi nghiệp; trên 200 mô hình thanh niên làm kinh tế trị giá từ 100 triệu đồng trở lên và đem lại lợi nhuận từ 50 – 200 triệu đồng/năm. Có 44 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân thành viên đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện Lai Châu có 39 sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 24% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh; có 14 sản phẩm thanh niên được khảo sát để tham gia sàn thương mại điện tử.
Bí thư Tỉnh Đoàn Lai Châu Nguyễn Tiến Thịnh nhấn mạnh, những năm qua, tổ chức Đoàn nhận thức rõ, để giảm nghèo bền vững cần phát huy sức mạnh nội sinh, ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp nhân dân, trong đó nòng cốt là thanh niên. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khơi dậy khát vọng, ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp và ý chí vươn lên của thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên thông qua các tấm gương làm kinh tế giỏi; tập trung xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu các ý tưởng khởi nghiệp trên các lĩnh vực cho đoàn viên thanh niên; tích cực ký kết các chương trình phối hợp để tạo nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên; rà soát kỹ khi lựa chọn các mô hình để hỗ trợ thành mô hình điểm.