Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2023) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, tích cực đấu tranh với các luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Qua đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững sự ổn định và phát triển của đất nước trong tình hình mới hiện nay.

Cách đây vừa tròn 78 năm, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” (1).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam. Đồng thời, “giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân” (2). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ thắng lợi to lớn đó, đã cổ vũ nhân dân ta kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, đoàn kết, thống nhất đi theo con đường xã hội chủ nghĩa vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Nhân dân chiếm Phủ Khâm sai, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, với bản chất nham hiểm, trước mỗi dịp kỷ niệm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các thế lực thù địch, phản động lại ra sức tuyên truyền những luận điệu sai trái, đi ngược lại lịch sử.

Không khó để nhận ra mục đích phía sau những luận điệu sai trái, phiến diện nói trên là nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; phủ nhận thành quả, tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám;… Từ đó, gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi, chia rẽ trong xã hội, nhất là trong giới trẻ để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ ở một bộ phận nhân dân. Do vậy, trong đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, đó là sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta (một nước thuộc địa, nửa phong kiến gắn với tình thế cách mạng có nhiều thuận lợi); là phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại;… trong đó nguyên nhân quan trọng, tiên quyết là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo mục tiêu, ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc ta đã luôn đoàn kết, đồng lòng và trải qua 3 cuộc tập dượt, cũng là 3 cao trào cách mạng: 1930 – 1931, 1969 – 1939, 1939 – 1945. Đây là cơ sở quan trọng góp phần tạo lên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Các đội quân du kích từ các chiến khu tiến vào Hà Nội, tập trung trước Nhà hát Lớn, ngày 30/8/1945. (Ảnh tư liệu).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khơi nguồn để Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân được được nâng lên, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Nói cách khác, những bài học kinh nghiệm, những thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ vững chắc, phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước. Đặc biệt, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (3).

Những thành tựu to lớn đó là minh chứng sống động khẳng định tính đúng đắn của mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được chính thức “hiện thực hóa” bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng thời, đó cũng là cơ sở thực tiễn để chúng ta đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng, lý luận, đập tan các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cố tình phủ nhận những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được.

Phát huy thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong tình hình mới hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc” (4). Cùng với đó, cần chủ động, tích cực, đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ ý nghĩa, thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan các quan điểm sai trái, thù địch về Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững sự ổn định và phát triển của đất nước./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments