Tạo đột phá hơn nữa trong chuyển đổi số

Ngày 12/7/2023, đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu tại trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Trần Hồng Hà – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ

Đồng chí Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Minh Tuấn – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh…

Đẩy mạnh CĐS một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng địnhCĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước với mục đích cuối cùng là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh CĐS một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung vào 4 ưu tiên gồm: Phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; phát triển các nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin.

Để làm được điều này người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm, quyết liệt, đột phá hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo CĐS; quan tâm đầu tư nguồn lực cả về tài chính, cơ sở vật chất và con người; quan tâm cải cách thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong thực hiện CĐS.

Đối với Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để người dân được hưởng thụ lợi ích và tích cực tham gia vào quá trình này. Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong các dịch vụ công. Nhấn mạnh năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc CĐS và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.  

Sát sao, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo CĐS

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực triển khai nhiều nội dung quan trọng trong công tác CĐS. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác CĐS trên địa bàn tỉnh cần phải khắc phục như: Công tác chỉ đạo, nhất là ở cấp cơ sở còn chưa thực sự quyết liệt; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến còn thấp so với mặt bằng chung cả nước…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang yêu cầu: Về phát triển chính phủ số, xây dựng chính quyền số cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với cấp huyện và cấp xã.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thực hiện CĐS, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương cần quan tâm, sát sao trong chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hoá quy trình giải quyết TTHC; cập nhật đầy đủ, kịp thời danh mục TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh…

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cở sở dữ liệu của tỉnh. Trong đó cơ sở dữ liệu dân cư của tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện.

Đối với cơ sở dữ liệu địa chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án triển khai, tinh thần là tính toán triển khai theo 2 bước gồm: Tính toán cập nhật dữ liệu về đất đai và quy chủ.

Nhấn mạnh vai trò của việc phát triển kinh tế số và xã hội số, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần phải tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là ở cấp tỉnh, cấp huyện. Phấn đấu năm 2023 tỉnh Phú Thọ sẽ có 100  150 doanh nghiệp đại diện cho các nhóm, loại hình khác nhau được lựa chọn để thí điểm các nền tảng công nghệ. Đồng chí giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan lựa chọn doanh nghiệp để triển khai thực hiện theo tinh thần “làm từng phần, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo hiệu quả”.

Về thực hiện Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân. Các huyện, xã tích cực chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để triển khai thực hiện, trong đó cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân.

Khối lượng công việc lớn và khó, bởi vậy ngoài Ban chỉ đạo các cấp cần phải có bộ phận giúp việc, trực tiếp thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tham mưu đề xuất, tập hợp thành hệ thống gồm cán bộ công nghệ thông tin cấp tỉnh, cấp huyện, xã. Thường xuyên cập nhật thông tin cho đội ngũ này, trao đổi vướng mắc để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

CĐS góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn CĐS thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy CĐS nhanh tại Việt Nam.

Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ước tính tỉ trọng kinh tế số/GDP đạt khoảng 14,96%. Hạ tầng số được đầu tư phát triển, đến nay đã phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia có hơn 7,77 triệu tài khoản; hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng…

Về công tác triển khai Đề án 06, đến nay cả nước đã hoàn thành về cơ bản cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 1 doanh nghiệp nhà nước và 3 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ nhanh, đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị. Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về cơ sở dữ liệu quốc gia đến thời điểm này là 2.087.114 hồ sơ…

Phú Thọ xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố về CĐS

Theo xếp hạng về CĐS cấp tỉnh năm 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày hôm nay, Phú Thọ đạt 0,6126 điểm (năm 2021 là 0,4652 điểm) xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; chính quyền số xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố; kinh tế số xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2021); xã hội số xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so với năm 2021). Phú Thọ nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về phát triển hạ tầng số trên cả nước.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án 06.

Hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, thực hiện kết nối liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu theo yêu cầu của Chính phủ. Đến nay, hệ thống cung cấp 1.991 TTHC, trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 33,5%, dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 43,4%. Thực hiện kết nối liên thông 1.116 TTHC với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt trên 71%, tăng 13% so với năm 2022.

100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới dạng điện tử. 6 tháng đầu năm, có trên 413.500 văn bản được gửi nhận trên hệ thống; trên 110.300 văn bản được phát hành trên trục liên thông Quốc gia. Hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã với 310 điểm. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện 70 cuộc họp trực tuyến, với trên 20.000 người tham dự.

Hệ thống nền tảng triển khai CĐS gồm: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Mạng diện rộng; Hệ thống thông tin báo cáo; Trung tâm Điều hành thông minh; Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng được duy trì, triển khai hiệu quả làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ CĐS của tỉnh.

Đối với phát triển kinh tế số, xã hội số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp CĐS nâng cao hoạt động kinh doanh với 12 doanh nghiệp đại diện cho các nhóm, loại hình khác nhau đã được lựa chọn để thí điểm các nền tảng công nghệ. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt 3,17 tỷ USD.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc. Đến nay một số cơ sở dữ liệu đã được xây dựng bao gồm các lĩnh vực: Trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phát triển nông thôn; quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

Đối với thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành việc cấp thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. 789.646 tài khoản định danh điện tử đã được cấp, đạt 94% so với yêu cầu. Cung cấp 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo quy định, còn 2 dịch vụ đang triển khai theo lộ trình của Trung ương. Toàn tỉnh đã nhập liệu 315.923 hồ sơ dữ liệu Hộ tịch trên nền cơ sở dữ liện Quốc gia về dân cư, đạt 23,5%. Đối với Cơ sở dữ liệu địa chính, đến nay đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được 129/225 xã, thị trấn của 13 huyện, thành, thị, với diện tích 232.823,71 ha, bản đồ được xây dựng, lưu trữ ở dạng số và dạng giấy.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments