Quy định số 131-QĐ/TW: Quyết liệt bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Quy định 131 chính là liều “vaccine” đủ mạnh để đội ngũ cán bộ, đảng viên tại hệ thống các tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan hành pháp soi vào, tự răn mình, tự sửa mình, chú trọng việc nêu gương, thống nhất giữa nói và làm, nhất là đối với người đứng đầu tại hệ thống các cơ quan công quyền trong quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực

BẢO VỆ SỰ MINH BẠCH CỦA CÁC CƠ QUAN CÔNG QUYỀN

Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai khá toàn diện, quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả hệ thống chính trị; trong đó có việc nghiên cứu, ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Đảng và các quy định của pháp luật nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý vững chắc để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, nhất là đội ngũ cán bộ thực thi công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với Quy định “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” (Quy định 132), Quy định số 131-QĐ/TW về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” (Quy định 131) ra đời và sớm được triển khai trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng và quá trình công tác của mỗi cán bộ, đảng viên đã thực sự là “thanh bảo kiếm” bảo vệ sự minh bạch của các cơ quan công quyền; đồng thời cũng là liều “vaccine” đủ mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự răn, tự sửa mình, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch vững mạnh.

Quy định 131 gồm  4 chương và 11 điều; trong đó đã giải thích rõ: Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ… để phòng ngừa và phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (trong quá trình công tác)…

Trên thực tế, hoạt động thanh tra, kiểm toán vốn là những lĩnh vực “nhạy cảm”, liên quan đến công việc kiểm tra, đánh giá, kết luận và xác nhận tính đầy đủ, hợp lý, hợp pháp của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước; liên quan đến việc phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, tiêu cực… Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong những lĩnh vực này càng thêm “nhạy cảm” hơn, vì phải thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ về vật chất và tinh thần, với những tiêu cực nảy sinh trong quá trình công tác như: Sử dụng thẩm quyền không đúng mục đích; lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân hoặc “nhóm lợi ích”; nhận hối lộ để bao che, giúp đối tượng không bị xử lý hoặc giảm nhẹ khi xem xét xử lý kỷ luật… Và cũng vì thế, việc tạo nên bức “trường thành vững chắc” để ngăn ngừa những việc tiêu cực diễn ra trước, trong và sau quá trình công tác; đồng thời bịt kín những kẽ hở gây bức xúc trong dư luận đối với lĩnh vực công tác “nhạy cảm” này là rất cần thiết. Trên tinh thần đó, việc ban hành Quy định 131 đã thêm một lần khẳng định chủ trương, quyết tâm, biện pháp hữu hiệu của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Điều 4 của Quy định 131 chỉ rõ 22 mục (các hành vi tham nhũng, tiêu cực) bị nghiêm cấm trong quá trình công tác. Cụ thể là: “Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm; cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán; nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra…” và “lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác” cũng như việc “để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán”… Việc nhận diện đúng những hành vi tham nhũng, tiêu cực này chính là hành động quyết liệt của Đảng trong công tác giám sát để phòng, chống tham nhũng nói chung cũng như kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và bịt lại những kẽ hở trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nói riêng.

Đồng thời, Điều 5 của Quy định 131 cũng nêu rõ trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng trong quá trình công tác phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền quản lý. Theo đó, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy phải thực hiện nghiêm quy định của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp trên để không chỉ kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, mà còn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách kịp thời đi liền cùng với việc chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Cùng với đó là kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán… Toàn bộ những nội dung này cũng cho thấy, chừng nào những văn bản pháp luật và cả luật còn “kẽ hở” dễ bị lợi dụng, thì chừng đó còn phải rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung luật và các văn bản dưới luật, các quy định để phòng ngừa và nhất là không để đối tượng lợi dụng, lạm dụng quyền lực thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi cá nhân và cho nhóm lợi ích…

Trên tinh thần đó, có thể thấy Quy định 131 khẳng định tính dân chủ, khách quan, khoa học và minh bạch của công tác chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Việc ban hành, thực thi Quy định 131 cũng đồng thời cho thấy rõ tính minh bạch của hệ thống các cơ quan công quyền ở Việt Nam và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thực sự không có vùng cấm, không có vùng đặc biệt nào cần phải “né tránh”, góp phần xây dựng và hoàn thiện, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

CHÚ TRỌNG LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ

Để công cuộc phòng và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, Đảng và Nhà nước không chỉ trao quyền và phát huy cao độ vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán (các cơ quan) cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan này, mà còn chú trọng kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình công tác. Một đội ngũ cán bộ luôn nỗ lực bảo đảm sự nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả khi thực thi nhiệm vụ sẽ góp phần tạo dựng và củng cố lòng tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Từ những vụ án đã và đang được đưa ra xét xử (vụ án nguyên Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Ðặng Anh Tuấn cản trở hoạt động đoàn kiểm tra trong vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” do Nguyễn Văn Dương cầm đầu (2019); nhóm cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại tỉnh Vĩnh Phúc (2019) và Nguyễn Kiên Cường, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình làm lộ bí mật nhà nước (2021) và các vụ án đưa/nhận hối lộ giữa cán bộ thanh tra tỉnh Lai Châu và cán bộ các ban quản lý dự án rừng phòng hộ tỉnh Lai Châu; Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Ðồng nhận hối lộ; vụ án đưa/nhận hối lộ của 4 cán bộ thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu…) mới đây được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông, có thể thấy việc cần phải “bịt kín” những “kẽ hở” của pháp luật để kiểm soát quyền lực nói chung, khống chế, ngăn chặn/kiểm soát quyền lực trong các cơ quan và đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng là yêu cầu tất yếu trong quá trình thực thi quyền lực Nhà nước. Vì thế, Quy định 131 đã ra đời và việc triển khai thực hiện nghiêm Quy định này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình công tác của những tổ chức, cá nhân có trọng trách kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán…. Từ đó, không chỉ hạn chế tối đa việc thông cung, chạy tội, chạy án của người có vi phạm, mà còn khắc phục được tình trạng tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực khi cán bộ có thẩm quyền đã dùng quyền lực, chức vụ của mình kéo bè, kéo cánh đe dọa người không cùng quan điểm hay người phát hiện ra những khuất tất của mình trong quá trình công tác…

Đặc biệt, Quy định 131 sẽ góp phần ngăn chặn và xử lý những cách thức tham nhũng tập thể; hối lộ tập thể như vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB…; cũng chính là nhằm khống chế các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân (hống hách, cửa quyền, độc quyền, lợi dụng quyền lực để o ép, áp đảo, đe dọa…) nhằm trục lợi của những người được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; nhất là để phòng và tránh được oan sai hay bỏ lọt khuyết điểm, tội lỗi…

Vì thế, những nội dung của Quy định 131 chính là liều “vaccine” đủ mạnh để đội ngũ cán bộ, đảng viên tại hệ thống các tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan hành pháp soi vào, tự răn mình, tự sửa mình, chú trọng việc nêu gương, thống nhất giữa nói và làm, nhất là đối với người đứng đầu tại hệ thống các cơ quan công quyền trong quá trình kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng phải “chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” cũng như phải chịu “trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”. Để đảm bảo khách quan, công tâm và nhất là phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong quá trình công tác, người đứng đầu cần phải “triệu tập đầy đủ, đúng thành phần, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền; không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình. Báo cáo kịp thời, trung thực, khách quan, đầy đủ ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau”… như Điều 5 của Quy định.

Điều 7 của Quy định nghiêm cấm các hành vi “can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Thiết lập quan hệ để hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích chạy tội, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết về kết luận, quyết định kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc”… cũng chính là minh chứng cho thấy Đảng không chỉ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền, thiết thực bảo vệ chế độ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn quyết liệt bảo vệ sự lành mạnh của các quan hệ xã hội, sự minh bạch của hệ thống công quyền, góp phần củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Từ thực tiễn công tác phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy rằng tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nguy cơ mà đã hiện hữu trong hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng và những người làm nhiệm vụ tại các cơ quan này. Cho nên, nếu đã vi phạm các nội dung nêu trong điều 4 Quy định 131, thì những người đang công tác sẽ bị đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán cũng như không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương hay phong tặng danh hiệu, khen thưởng theo quy định… theo Điều 8 và Điều 9.

Cuối cùng, có thể khẳng định rằng: Trên cơ sở cập nhật đường lối, chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Ðảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, thanh tra, kiểm toán; về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quy định 131 đã tập trung quy định về nguyên tắc; các hành vi tham nhũng, tiêu cực; biện pháp phòng ngừa; chế tài xử lý răn đe… để làm cơ sở để xác định trách nhiệm, thủ tục tiến hành. Nội dung của Quy định thể hiện rõ tinh thần kết hợp giữa xây và chống; trong đó xây là chính, chống phải kiên quyết và lấy chống để xây rất nhân văn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc ban hành Quy định 131 góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để mọi quyền lực được kiểm soát “trong lồng cơ chế”; đồng thời và việc thực thi Quy định này chính là để quyền hạn phải gắn với trách nhiệm; công khai, minh bạch, nghiêm minh phải gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, hoạt động thanh tra, kiểm toán, đảm bảo làm trong sạch đội ngũ và bảo vệ các cơ quan công quyền./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments