Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” bên cạnh việc đề cập đến những nội dung cơ bản về sự phát triển của xã hội loài người; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; sự ra đời của Đảng Cộng sản; những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học… còn đề cập đến những vấn đề về phát triển văn hóa, con người. Cho tới nay, những tư tưởng, quan điểm đó vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

Vấn đề phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” 

Do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo lần đầu tiên, công bố trước toàn thế giới ngày 24/2/1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (Tuyên ngôn) là cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Sự ra đời của Tuyên ngôn là bước ngoặt quyết định đối với sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận chủ nghĩa Mác. Hướng tới đối tượng chính là giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao, Tuyên ngôn được viết một cách giản dị, trong sáng, cô đúc, được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Tuyên ngôn được ví như cuốn cẩm nang và là “vũ khí” lợi hại, sắc bén về tư tưởng, lý luận nhằm giương cao ngọn cờ cách mạng, xóa bỏ áp bức bất công, hướng đến xây dựng một xã hội công bằng, phồn vinh, hạnh phúc.

Bên cạnh những nội dung cơ bản về sự phát triển của xã hội loài người; vị trí lịch sử của giai cấp tư sản; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; sự ra đời và tính tiên phong của Đảng Cộng sản; những nguyên lý cơ bản của CNXH khoa học, một số nguyên lý chiến lược, sách lược cách mạng… Tuyên ngôn còn đề cập đến những nội dung cơ bản về phát triển văn hóa, con người, đặt nền móng cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người toàn diện trong hiện tại và tương lai.

Những quan điểm về phát triển văn hóa 

Trước khi viết Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăngghen đã có những kiến giải thuyết phục bằng các lập luận khoa học và chứng cứ thực tiễn về nguồn gốc hình thành, bản chất, chức năng của văn hóa. Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên (được viết trong khoảng năm 1873 đến 1886), trên cơ sở kế thừa những thành tựu của khoa học tự nhiên, Ph. Ăngghen cho rằng: Văn hóa là kết quả, là sản phẩm do con người sáng tạo ra; sáng tạo văn hóa là thuộc tính của con người, và là dấu hiệu quan trọng để phân biệt giữa con người và động vật. Từ việc chế tạo những vật dụng thô sơ, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống vật chất, con người biết chế tạo ra những vật trang sức, mỹ nghệ, biết mô phỏng, tái hiện tự nhiên, cuộc sống con người qua các bức tranh hội họa. Việc “nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp” đã phản ánh nhu cầu, khát vọng, mong ước của con người trong việc hướng đến những giá trị của chân, thiện, mỹ. 

 Với cái nhìn biện chứng, khách quan, đặt con người trong mối tương quan với tự nhiên và tiến trình phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng nói đến văn hóa là nói đến “lực lượng bản chất người” hay “trình độ người” của con người. Trình độ, năng lực đó được sản sinh, tái tạo trong quá trình con người tương tác, cải tạo tự nhiên. Theo đó, văn hóa không chỉ là thuộc tính, nói lên bản chất nhân văn của con người mà nó còn phản ánh quá trình con người không ngừng sáng tạo để tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử – xã hội.

Trên cơ sở phép duy vật biện chứng, lịch sử, trong Tuyên ngôn, C. Mác, Ph. Ăngghen cho rằng văn hóa là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, có quan hệ mật thiết và chịu sự tác động, chi phối của các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa không chỉ thuộc về mỗi cá nhân mà văn hóa còn thuộc về cộng đồng, giai cấp, lớn hơn là quốc gia, dân tộc. 

Điểm nhấn về văn hóa trong Tuyên ngôn là đã đặt văn hóa trong mối tương quan với bối cảnh thời đại, giai cấp, xã hội, từ đó nhấn mạnh văn hóa thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, chịu sự tác động, chi phối của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội. Nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị: “Lịch sử tư tưởng chứng minh cái gì, nếu không phải là chứng minh rằng sản xuất tinh thần cũng biến đổi theo sản xuất vật chất? Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”(1). Điều đó cho thấy văn hóa luôn chịu sự tác động của cơ sở hạ tầng và nền tảng kinh tế, chính trị của một chế độ sẽ quyết định diện mạo, đặc trưng của nền văn hóa đó.

Một tư tưởng lớn về văn hóa được đề cập trong Tuyên ngôn là những dự báo mang tính thời đại về quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Những kiến giải của C. Mác và Ph. Ăngghen cho thấy, vào thế kỷ XIX, với việc không ngừng cải tiến máy móc, công cụ lao động, mở rộng thị trường, đầu tư vào phát minh sáng chế; áp dụng triệt để những thành tựu khoa học kỹ thuật, giai cấp tư sản đã tạo ra nguồn của cải dồi dào; làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất đã tác động mạnh mẽ đến văn hóa. Thông qua con đường kinh tế, thương mại, qua quá trình trao đổi sản phẩm, quá trình mở rộng và tìm kiếm thị trường, giai cấp tư sản đã tạo động lực quan trọng, kích thích quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa. Lý giải vấn đề này, C.Mác và Ph. Ăngghen viết: “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”(2). “Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã vậy thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(3). Luận điểm này của C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra tính tất yếu khách quan của quá trình tương tác, giao lưu giữa các dân tộc, quốc gia, giữa các nền văn hóa mà nguyên nhân chính dẫn đến quá trình đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất và những yếu tố kinh tế chi phối. Luận điểm trên cũng là những dự báo mang tính thời đại của C. Mác và Ph.Ăngghen về xu thế toàn cầu hóa văn hóa khi các quốc gia, dân tộc ngày càng xích lại gần nhau. Những dự cảm về “một nền văn học toàn thế giới” được hợp lực từ “những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ” được C. Mác và Ph.Ăngghen đề cập từ năm 1848 đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại, cho thấy sự vận động, phát triển của các nền văn học, văn hóa trên thế giới với sự kết hợp hài hòa giữa cái chung và riêng; giữa cái phổ quát mang tính chất chung toàn nhân loại với cái đặc thù, riêng biệt mang bản sắc riêng, độc đáo của các cộng đồng, dân tộc, quốc gia.

Tuy nhiên, do tuyệt đối hóa mục tiêu lợi nhuận, đề cao giá trị kinh tế cũng như ý chí của giai cấp thống trị, cầm quyền, giai cấp tư sản muốn tạo ra một thế giới theo hình dạng nhất định, buộc các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội phải phụ thuộc vào mình. Sự áp đặt mang tính cưỡng chế đó có thể gây ra những hệ lụy, làm sản sinh tâm lý nô dịch, lệ thuộc của các dân tộc còn kém phát triển. Đối với các nền văn hóa, ý đồ thống trị cả về mặt tinh thần, sự áp đặt và âm mưu đồng hóa văn hóa của giai cấp tư sản có thể làm triệt tiêu tính đa dạng văn hóa, làm mất đi bản sắc dân tộc, quốc gia và quyền văn hóa của con người. Nhấn mạnh vào những hệ lụy đó, C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh (…) Giai cấp tư sản bắt nông thôn phải phục tùng thành thị (…), bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó đã bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây”(4). Sự ra đời của CNTB là bước phát triển nhảy vọt của lịch sử với nhiều thành tựu về khoa học, kỹ thuật, thúc đẩy tiến trình văn minh của nhân loại. Tuy nhiên, với việc thiết lập quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, đề cao tuyệt đối giá trị, lợi ích kinh tế và đồng tiền mà thiếu quan tâm đến các vấn đề văn hóa, xã hội, thậm chí lợi dụng văn hóa, văn học, nghệ thuật để thực hiện những mưu đồ chính trị, khiến CNTB, trực tiếp là giai cấp tư sản đối diện với những mâu thuẫn, xung đột, khủng hoảng và những vấn nạn xã hội nảy sinh, khó giải quyết.

Thời đại của C. Mác, Ph. Ăngghen, thuật ngữ “toàn cầu hóa văn hóa” chưa xuất hiện nhưng những dự báo về tương lai, xu thế tất yếu khách quan của văn hóa nói chung và các nền văn hóa nói riêng là những chỉ báo quan trọng để mỗi quốc gia trong quá trình phát triển sẽ có ứng xử thích hợp để thúc đẩy văn hóa phát triển lành mạnh, phù hợp với tính chất, đặc trưng và quy luật vận động riêng của văn hóa.

Những quan điểm về phát triển con người toàn diện

Tư tưởng lớn, bao trùm, xuyên suốt Tuyên ngôn là vấn đề giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xóa bỏ tình trạng áp bức, bất công để hướng đến xây dựng một xã hội mới mà ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(5). Đó là tư tưởng, tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác. Tất cả vì con người, vì tự do, hạnh phúc, ấm no của nhân dân lao động.

Sống trong lòng xã hội tư bản, gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao, hơn ai hết, C.Mác và Ph.Ăngghen thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động làm thuê, bị bót lột đến kiệt cùng sức lao động, bị chèn ép, tước mất những quyền cơ bản vốn thuộc về họ. C.Mác, Ph.Ăngghen cho rằng, sống trong lòng xã hội tư bản, của nền đại công nghiệp, người công nhân “không những là nô lệ của giai cấp tư sản, của nhà nước tư sản, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là nô lệ của máy móc, của người đốc công và trước hết là của chính nhà tư sản chủ công xưởng”(6). Họ “buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau”(7).

Qua quan sát, trải nghiệm và thâm nhập cuộc sống của công nhân, thợ thuyền, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác còn thấu hiểu nỗi thống khổ của những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Điều mà C.Mác, Ph.Ăngghen lo ngại là “lao động thủ công càng ít cần đến sự khéo léo và sức lực chừng nào, nghĩa là công nghiệp hiện đại càng tiến triển thì lao động của đàn ông càng được thay thế bằng lao động của đàn bà và trẻ em”(8). Không chỉ vậy, “Đại công nghiệp phát triển càng phá huỷ mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần”(9).

Bằng cảm quan chính trị và sự nhạy bén về tư tưởng, lý luận, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra con đường, biện pháp để giai cấp công nhân tập hợp, giác ngộ lý tưởng thông qua vai trò tiên phong, dẫn đường của Đảng Cộng sản để tiến hành đấu tranh cách mạng, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn, nhân văn hơn: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(10). “Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”(11). 

 Giải phóng giai cấp, giải phóng con người, thiết lập một trật tự xã hội mới mà ở đó có sự kết hợp hài hòa giữa “nông nghiệp với công nghiệp”, “giữa thành thị và nông thôn”, đặc biệt xã hội mới, xã hội tiên tiến phải thực thi tốt chính sách “Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất”(12), phải thiết lập và giữ gìn nền tảng đạo đức, những mối quan hệ bền chặt và những giá trị tốt đẹp của gia đình. Bởi gia đình có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc duy trì nòi giống, giáo dục và hình thành những đức tính, phẩm chất tốt đẹp cho con người.

Vận dụng sáng tạo trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay 

Trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đối với lĩnh vực văn hóa, Đảng ta luôn coi trọng, đề cao vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong tiến trình vận động, phát triển của lịch sử, xã hội. Năm 1943, trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương), Đảng ta xác định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động… Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(13).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức sáng 24-11 tại Nhà Quốc hội.

Nhấn mạnh vào mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, Đề cương cho rằng: “Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia”(14). Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời cũng là một nhà văn hóa lớn, hơn ai hết, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, văn nghệ. Người khẳng định: “Vǎn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(15). Để cổ vũ, động viên cũng như đặt trọn niềm tin, niềm kỳ vọng vào đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức sẽ gánh vác những trọng trách quan trọng trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, Người nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “trong cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”(16). Trong Di chúc, Người căn dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác, đặc biệt là những tư tưởng về phát triển văn hóa, con người trong Tuyên ngôn và những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng và ban hành nhiều quyết sách quan trọng để định hướng con đường phát triển của nền văn hóa dân tộc. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về văn hóa, văn nghệ như: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về “Một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…

Nhấn mạnh vai trò, vị trí của văn hóa, Đảng ta khẳng định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự tồn vong, thịnh suy của quốc gia, dân tộc: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”.

Trong bối cảnh mới, Đảng chủ trương đẩy mạnh giao lưu, hội nhập quốc tế để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng đồng thời phải giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống dân tộc, tránh những nguy cơ áp đặt, “xâm lăng” văn hóa đến từ bên ngoài. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại; giữa bảo tồn và phát huy, phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo quyền sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa của mọi người dân.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển văn hóa, Đảng không ngừng quan tâm, chăm lo đến phát triển con người Việt Nam toàn diện. Trong mối tương quan giữa phát triển văn hóa với phát triển con người, Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(17); “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(18). 

 Một trong những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng đề ra nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(19). Việc xây dựng thành công hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nền tảng tinh thần, định hướng con đường, tương lai phát triển của quốc gia, dân tộc. 

 Với ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm về phát triển văn hóa, con người được đề cập trong Tuyên ngôn để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và đường lối lãnh đạo về phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện. Từ đó, khai thác và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam, tạo động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments