Đại hội XIII của Đảng xác định: Chuyển đổi số một trong những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược. Nội dung này đã và đang được cấp uỷ các cấp ở Phú Thọ tập trung triển khai với quyết tâm, quyết liệt trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch 2050/KH-UBND về Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2022. Kế hoạch nhằm định hướng đến các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển Chính quyền số để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả chuyển đổi số để nâng cao năng lực, hiệu lực trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Phú Thọ.
Cụ thể, trong phát triển hạ tầng số, Kế hoạch đề ra mục tiêu đạt 85% tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh; 75% tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng. Trong phát triển chính quyền số, Kế hoạch hướng đến 80% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt 50%; Triển khai ứng dụng Nền tảng bản đồ số để cung cấp dịch vụ phát triển các ứng dụng, dịch vụ dựa trên nền bản đồ, phục vụ quản lý Nhà nước và các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, đối với phát triển kinh tế số, xã hội số, Kế hoạch đề ra mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; hoá đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh đạt 7%…
Để được các mục tiêu mà Kế hoạch đề ra, công tác chỉ đạo, điều hành từ phía cơ quan quản lý cần được đẩy mạnh. Trong đó, việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong cơ quan Nhà nước, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, Kế hoạch chỉ rõ nhiệm vụ của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị cần trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai Chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch tại các cấp, các ngành; tổng hợp kết quả, đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Ngoài ra, để đạt được các mục tiêu về phát triển hạ tầng số, cần có sự chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân; phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh trên cả tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mở rộng băng thông và nâng cao chất lượng dịch vụ mạng di động, phủ sóng các vùng trắng, vùng lõm…
Ngày 6/4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 cho hơn 800 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên cả nước bằng hình thức trực tuyến.
Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng CNTT, phổ biến các văn bản quản lý Nhà nước về công nghệ số; Tổ chức phổ biến, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong tác cơ quan Nhà nước về chuyển đổi số. Rà soát, đổi mới nội dung, hình thức trong phát triển nguồn nhân lực số: đội ngũ cán bộ, công chức có các kỹ năng đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Tổ chức tối thiểu 01 lớp đào tạo thông qua hình thức trực tuyến, cho phép cán bộ công chức, viên chức vừa học vừa làm, kịp thời hỗ trợ, bổ sung các kỹ năng theo yêu cầu là những nhiệm vụ trong mục tiêu phát triển Chính quyền số.
Đối với việc phát triển kinh tế số, xã hội số, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội về triển khai Chuyển đổi số, ứng dụng số, kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, cần ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ hàng nông sản, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Xây dựng, triển khai nền tảng bản đồ số cung cấp dịch vụ để phát triển các ứng dụng, dịch vụ dựa trên nền tảng bản đồ phục vụ khai thác của người dân, doanh nghiệp.
Phương Loan