Nhận diện và đấu tranh với luận điệu xuyên tạc chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam

Thời gian vừa qua, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên đưa ra các luận điệu xuyên tạc, kích động, hòng chống phá đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Việc nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động luôn là vấn đề cấp bách hiện nay.

Là một quốc gia phải trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, dân tộc Việt Nam luôn thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập, luôn mong muốn được sống trong hòa bình, độc lập. Trong quan hệ quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định nhất quán quan điểm: Việt Nam chọn chính nghĩa, không chọn bên trong quan hệ quốc tế. Theo đó, giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam chọn độc lập; giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.

Quan điểm nhất quán trên thể hiện rõ mong muốn, thiện chí của Việt Nam trong quan hệ quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, đã tự huyễn hoặc gắn cho mình mác “người yêu nước”, có “tâm huyết”, “trách nhiệm” với vận mệnh quốc gia – dân tộc, thường xuyên có hành động kích động, cố tình “rao giảng” các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, hòng mưu đồ chống phá, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra gay gắt như hiện nay, Việt Nam vẫn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “tự cô lập mình”, cần phải thay đổi. Hơn nữa, “đã độc lập, tự chủ sẽ cản trở hội nhập quốc tế và ngược lại, đã hội nhập quốc tế thì không thể có độc lập, tự chủ”… Từ đó, “kêu gọi” Việt Nam phải mạnh dạn “đổi mới” đường lối, chính sách đối ngoại hiện nay.

Hai là, tập trung xuyên tạc, công kích quan điểm của Việt Nam đối với những sự kiện phức tạp xảy ra trên thế giới gần đây như vấn đề xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine… Cho rằng, “Việt Nam đang phải chịu sức ép của thế lực nào đó”, vì vậy không thể thể hiện lập trường, quan điểm… Đồng thời, lợi dụng các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước ta ra nước ngoài, viện dẫn vô căn cứ rằng Việt Nam đã “từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình”, “Việt Nam đang chọn phe”…

Từ những xảo biện trên, đưa ra những “kiến nghị”, “đề xuất”, “hiến kế” dưới danh nghĩa xuất phát từ lòng yêu nước, vì chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc để kêu gọi Việt Nam tham gia các liên minh quân sự, “chọn bên” trong quan hệ quốc tế, dần đi sâu vào quỹ đạo lệ thuộc bên ngoài, đánh mất độc lập, tự chủ trong các hoạt động quân sự, quốc phòng và đối ngoại.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt như hiện nay, tất cả các quốc gia, nhất là các nước chậm phát triển, trong đó có các nước ở khu vực Đông Nam Á rơi vào nguy cơ bị lôi kéo, chia rẽ, đứng trước sức ép buộc phải “chọn bên”. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động mặc dù không thể làm chệch hướng đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; không thể phủ nhận bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng hòa bình của Việt Nam, song cũng khiến một số người hoang mang, dao động, tác động tới niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Việc nhận diện và đấu tranh làm thất bại mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động luôn là vấn đề cấp thiết.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments