Người truyền lửa trên đường đua xanh
Ngoài bộ sưu tập xấp xỉ 30 chiếc HCV và phá rất nhiều kỷ lục tại các kỳ ASEAN Para Games kể từ năm 2007, kình ngư 33 tuổi Võ Huỳnh Anh Khoa còn là người “truyền lửa” đam mê và dùng đường đua xanh đưa nhiều trẻ em bất hạnh hòa nhập xã hội.
ASEAN Para Games 12 đang diễn ra tại Campuchia đã là lần tham dự đại hội tầm Đông Nam Á thứ 9 của Anh Khoa trên đường đua xanh.
Thống trị 9 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp
Sau bốn ngày thi đấu đầu tiên, một mình Anh Khoa đã mang về cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam 3 HCV và phá một kỷ lục ở nội dung 100m ngửa nam hạng thương tật S8 với thành tích 1 phút 14,46 giây.
Với nhiều người, đó là chuyện phi thường. Nhưng với Anh Khoa, điều này không còn lạ lẫm. Anh Khoa nói: “Mỗi kỳ ASEAN Para Games, tôi đều giành ít nhất 3 HCV và phá vài kỷ lục. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã giành khoảng 30 chiếc HCV và xô ngã khá nhiều kỷ lục ở đấu trường ASEAN Para Games”. Để có ngày thống trị đường đua xanh của thể thao người khuyết tật Đông Nam Á hôm nay, ít người biết Khoa từng đến với bơi lội như một lẽ bắt buộc, vì sự sống còn của chính mình.
Được sinh ra lành lặn nhưng mới 5-6 tuổi Khoa tưởng chừng không thể tiếp tục cuộc sống khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư cột sống. Đôi chân cứ yếu dần rồi liệt hẳn. Sau sáu lần vào hóa trị và xạ trị, chân anh vẫn không cử động được. Lúc ấy, bác sĩ khuyên Khoa nên học bơi để hỗ trợ vật lý trị liệu hiệu quả hơn. Không ngờ một chân của Khoa đã hồi phục phần nào, chân còn lại teo hẳn nhưng vẫn cử động nhẹ nhàng. Và cũng từ đó, Anh Khoa xem bơi lội là chọn lựa của cuộc đời mình. Đó cũng là khởi đầu cho sự nghiệp bơi lội lừng lẫy trong giới thể thao người khuyết tật của Khoa.
Thời đỉnh cao phong độ, chàng trai TP.HCM từng vươn tầm châu lục với hai chiếc HCV châu Á cự ly 100m tự do và 100m bướm hạng thương tật S9.
Truyền lửa cho trẻ em bất hạnh
“Bơi lội với tôi như định mệnh và tôi muốn gắn bó cùng nó trọn đời. Hiện nay, tôi là HLV lớp bơi cơ bản ở hồ Yết Kiêu. Thời gian rảnh, tôi còn dạy lớp bơi dành cho trẻ em bất hạnh vì khuyết tật”, Khoa nói.
Trước đây, Khoa dùng một góc nhỏ của Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu (TP.HCM) rồi cùng bạn mở lớp học rất đặc biệt. Đó là lớp học bơi miễn phí dành cho trẻ mắc hội chứng Down hoặc bệnh tâm thần. Sự nhiệt tâm, kiên trì của anh đã giúp các học trò tiến bộ từng ngày. Có những em vài tháng trước còn sợ hãi khi xuống nước nhưng sau đó luôn nở nụ cười trên môi. Nhưng cái được lớn nhất sau những giờ phút vùng vẫy dưới nước vui vẻ chẳng những giúp các em rèn thể chất mà còn không quá rụt rè khi hòa nhập xã hội.
Hơn một năm qua, dù bận tập luyện cho ASEAN Para Games và công việc của mình, Khoa vẫn kiên trì dạy vài cô cậu học trò bị thiểu năng trí tuệ. “Tôi hướng dẫn để các em phát triển thành tích và tự tin trong hồ nước. Từ đó, các em sẽ hòa nhập xã hội tốt hơn. Dạy các bạn nhỏ bất hạnh này cần phải có sự kiên nhẫn, chịu khó vì không phải mình hướng dẫn là các bạn làm được. Đôi khi chỉ một động tác nhưng phải tập ngày này qua ngày kia mới được. Nhưng nhìn thấy các em có được những phút giây vui vẻ, tôi cảm thấy mãn nguyện”, Khoa nói.
Sưu tầm