Nền tảng chuyển đổi số Quốc gia

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh Phú Thọ đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong toàn tỉnh.

Công an huyện Thanh Thủy hướng dẫn công dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT)

Mục tiêu lớn, đồng thuận cao

Đề án 06 nhằm cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ đến trụ sở cơ quan Nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ, mục tiêu Đề án 06 đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 15/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập Tổ công tác cấp tỉnh, 13 Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án tại cấp huyện, 225 Tổ công tác tại cấp xã và 2.328 Tổ công tác tại khu dân cư do Chủ tịch UBND các cấp và trưởng khu dân cư làm tổ trưởng. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, trong đó tập trung xác định rõ 26 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện… Tỉnh cũng tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật triển khai thực hiện Đề án; thực hiện rà soát, điều chỉnh 131 văn bản còn hiệu lực; báo cáo HĐND tỉnh bãi bỏ quy định của HĐND tỉnh về lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh để thực hiện thống nhất theo Thông tư số 75/2022/TT-BTC ngày 22/12/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú. Công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung của Đề án 06 được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về sự cần thiết của việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thành Đề án 06 đúng tiến độ đề ra.

Công an huyện Tân Sơn hướng dẫn người dân tải ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1949 triển khai các mô hình điểm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn, trong đó triển khai một mô hình cấp tỉnh về triển khai phần mềm lưu trú ASM; ba mô hình điểm cấp huyện: Mô hình tuyên truyền, mô hình tại bộ phận một cửa và mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID. Hiện tại tỉnh đang tiếp tục phối hợp Cục Cảnh sát QLHC về TTXH – Bộ Công an triển khai 25 mô hình điểm Đề án 06 trên địa bàn.Với vai trò là cơ quan Thường trực thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh luôn thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thượng tá Nguyễn Quang Minh- Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh cho biết: Lực lượng Công an quyết liệt thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, cấp CCCD và định danh điện tử, mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm”, cao điểm “60 ngày, đêm” cấp CCCD và định danh điện tử. Với tinh thần quyết liệt, thần tốc, không ngại khó, ngại khổ, lực lượng Công an đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp làm sạch dữ liệu và duy trì thường xuyên việc bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

Những con số ấn tượng

Sau hơn một năm triển khai quyết liệt, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Phú Thọ được triển khai đồng bộ thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã. Hệ thống đã cung cấp 1.983 TTHC, trong đó có 685 dịch vụ công trực tuyến, đạt 34,54%, 841 dịch vụ công trực tuyến một phần, đạt 42,41%. Thực hiện kết nối liên thông 1.116 TTHC của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong sáu tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 108.077 hồ sơ/158.110 hồ sơ, đạt 68,36%, tăng 10,01% so với năm 2022. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình Trung ương chỉ đạo. Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ở lĩnh vực y tế đã đẩy mạnh thực hiện công tác khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD và ứng dụng VNeID tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Triển khai tại 244 cơ sở y tế trên toàn tỉnh, trong sáu tháng đầu năm 2023, tiếp nhận 86.704 lượt người sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh thay thế cho BHYT. Lĩnh vực LĐ-TB&XH đã thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách tại 86 doanh nghiệp với 3.822 người lao động, kinh phí trên 5,7 tỷ đồng, đạt 78,11%; hoàn thành 100% thực hiện chính sách cho người lao động. Lĩnh vực GD&ĐT triển khai thanh toán học phí và các khoản thu khác theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay 60% tiền học phí và các khoản thu khác được thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng, các ứng dụng điện tử. Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số tính đến ngày 9/6/2023, tỉnh đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn, được Bộ Công an biểu dương là một trong 21 đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD. Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh đã kích hoạt 737.639 tài khoản định danh điện tử, đạt 87,66% chỉ tiêu được giao…

Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hành trình bước vào “kỷ nguyên số”, tuy nhiên trong quá trình triển khai, các đơn vị, địa phương vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc: Nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ – triển khai thực hiện Đề án 06 chưa đáp ứng với tình hình thực tế, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ chưa làm chủ được công nghệ, làm chủ phần mềm… Cùng với đó, tỷ lệ người dân chủ động thực hiện dịch vụ công hiện vẫn còn thấp, nguyên nhân do thao tác phức tạp, trình độ và điều kiện sử dụng CNTT còn hạn chế; chất lượng đường truyền internet phục vụ gửi, tiếp nhận hồ sơ chưa ổn định, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Việc triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu dịch vụ công còn chậm do có khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, thiết bị, nhân lực, nhất là tại cấp cơ sở… Vì vậy thời gian tới, các ngành, địa phương cần tập trung khắc phục khó khăn, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án 06.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments