Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc “tự soi” và quyết tâm “tự sửa” để là tấm gương sáng về mọi mặt trước nhân dân

Sống trên đời, không ai là hoàn hảo; ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm riêng. Nhưng, thói thường, ít ai dám nói ra cái dở, cái khuyết điểm của mình, thậm chí tìm mọi cách để che giấu. Nhưng,“cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Do đó, muốn tiến bộ, mỗi người phải dám đối mặt với điểm yếu của mình. Cán bộ, đảng viên càng phải nghiêm túc “tự soi”, quyết tâm“tự sửa” để vượt lên chính mình. Mỗi đảng viên trong sạch thì Đảng trong sạch. 

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

1. “Tự soi”, “tự sửa” là cuộc đấu tranh tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên

    “Tự soi”, “tự sửa” được hiểu là tự mình nhìn vào chính mình, tự mình đánh giá, nhận xét về mình cả trong nhận thức và hành động, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa. “Tự soi, tự sửa” cũng có nghĩa là tự mình chẩn bệnh, bốc thuốc cứu mình. Chẩn đoán và bốc thuốc điều trị đúng bệnh sẽ làm người bệnh dần khỏe mạnh.

    Đối với cán bộ, đảng viên, “tự soi, tự sửa”, trước hết là tự theo dõi, đánh giá, kiểm điểm về lời nói và hành động của mình trong ba mối quan hệ cơ bản: Với công việc, với người khác và với chính mình; là thường xuyên tự phê bình, tự điều chỉnh mình, “như một thói quen rửa mặt hàng ngày”. Soi, sửa bao gồm cả về nhận thức và hành động, cả về đạo đức, lối sống và lối làm việc để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, có hành động tích cực, hiệu quả, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, cho tổ chức đảng và để chính bản thân mình có đạo đức, lối sống lành mạnh, liêm khiết. Thứ hai, “tự soi, tự sửa” không chỉ tự nhận thấy hạn chế, khiếm khuyết, sai phạm của bản thân để ngăn chặn, sửa đổi, khắc phục mà qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên còn thấy năng lực, thế mạnh, mặt tốt của bản thân để tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Do đó, “tự soi, tự sửa” cũng là “bổn phận” của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên không tự soi, tự sửa, tự rèn, tự điều chỉnh, vượt lên chính mình, tu thân hằng ngày thì rất dễ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, đánh mất tư cách người cán bộ, đảng viên. 

    “Tự soi, tự sửa” là công việc đầy cam go, khó khăn, nhiều thử thách, vì ít ai tự “vạch áo cho người xem lưng”, tự mình nói ra cái không tốt của mình, vì sợ mất thể diện, mất uy tín. Do đó, “tự soi, tự sửa” là cuộc cách mạng diễn ra trong chính bản thân mình, là cuộc đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu, giữa tình cảm và lý trí, giữa sự cầu thị và tính bảo thủ trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đó cũng là thử thách đối với bản lĩnh của mỗi cán bộ, đảng viên khi đứng trước “cái tôi” trong chính mình. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc với chính mình, phải “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình”. Nghiêm khắc với chính mình là thể hiện ý thức giác ngộ của người cán bộ, đảng viên, qua đó giúp cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, nhờ đó vượt qua những khó khăn, thử thách cũng như những cám dỗ về tiền tài, danh lợi…

    Thực tiễn vừa qua cho thấy, bên cạnh nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thực hiện rất nghiêm túc “tự soi, tự sửa”, nhờ đó mà tiến bộ hơn, thì còn không ít tổ chức đảng, cơ quan và cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt vấn đề này, như: Lúc kiểm điểm thì nêu ra được hạn chế, khuyết điểm; khi tập thể góp ý, phê bình thì “hùng dũng” nhận lỗi về mình, tỏ ra hối hận, hứa “quyết tâm” sửa chữa, nhưng lại không đề ra biện pháp, lịch trình sửa chữa cụ thể, thành ra như “nước đổ lá môn”, đâu lại vào đấy. Một số cán bộ, đảng viên khác thì không trung thực khi nói về các hạn chế, khuyết điểm của mình, nếu có thì thường đổ lỗi do “yếu tố khách quan” và xin “rút kinh nghiệm sâu sắc”, coi như bản thân không hề liên quan gì, như vậy là chưa đúng với tinh thần “tự soi, tự sửa”. Mặt khác, có đảng viên chẳng những không trung thực khi nói về các hạn chế, khuyết điểm của mình, nhưng lại rất “thẳng thắn” phê bình người khác, nhất là những người mình “không thích, không ưa”, nhằm hạ uy tín, hạ thành tích của họ. Đó là thái độ của những người mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.

    2. Làm thế nào để có được sự nghiêm túc khi “tự soi” và quyết tâm khi “tự sửa”

    “Tự soi, tự sửa” là việc “nói thì dễ, nhưng làm thì khó”, làm đúng và thực chất thì càng khó hơn. Do đó, để việc “tự soi, tự sửa” có kết quả tốt, mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần nghiêm túc thực hiện mấy việc sau:

    Trước hết, đối với mỗi cán bộ, đảng viên:

    Thứ nhất, phải nhận thúc đúng, đầy đủ mục đích của “tự soi, tự sửa”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tự soi, tự sửa” là để mỗi ngày làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, nhưng có hại cho nước, cho dân, cho Đảng thì quyết không làm. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự rà soát lại những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trách nhiệm của bản thân trong quá trình công tác, trong quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, điều gì tốt thì phát huy, điều gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, điều gì xấu thì tự gột rửa và khắc phục trên tinh thần tự giác, trung thực, cầu thị. Đây làviệc làm thường xuyên, hằng ngày, suốt đời để hoàn thiện bản thân hơn. “Tự soi, tự sửa” chính là việc làm để bảo vệ, duy trì danh dự, uy tín mà mỗi cán bộ, đảng viên đã dày công gây dựng. Danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên được bảo vệ thì uy tín của tập thể, tổ chức đảng được bảo toàn.

    Thứ hai, phải tự giác, nghiêm túc “tự soi” và quyết tâm “tự sửa” là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân nhằm làm cho con người tốt hơn, việc tốt hơn và tổ chức mạnh lên. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. Muốn tự soi, tự sửa mang tính thực chất thì mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm cao và tinh thần dũng cảm vượt lên chính mình, vì không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình. Những hạn chế, khuyết điểm, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng thuộc phạm trù ý thức, nó ẩn khuất, ngấm ngầm trong suy nghĩ, trong tư tưởng con người, nhiều khi được che đậy kín đáo, rất khó phát hiện, nếu cán bộ, đảng viên không nghiêm túc và tự giác “tự soi” mình thì việc “tự sửa” sẽ khó mang lại kết quả. Thực tế chỉ rõ: Thấy được hạn chế, khuyết điểm là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là có quyết tâm sửa chữa và sửa chữa đến cùng. Dù hoàn cảnh thế nào, những cám dỗ có sức mạnh ra sao, nếu cán bộ, đảng viên “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”, đề cao lòng tự trọng, có dũng khí lớn, bản lĩnh vững vàng và nghiêm khắc với chính mình thì không khuyết điểm, hạn chế nào không sửa được. Ngược lại thì thất bại, thậm chí phải trả giá đắt.

    Thứ ba, phải thực hiện nghiêm túc nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm và dám sửa chữa khuyết điểm. Từng đảng viên gắn tự soi mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, cái gì còn hạn chế, rồi đề ra kế hoạch, biện pháp sửa chữa. Khắc phục tình trạng xuê xoa, né tránh, đổ lỗi dưới mọi hình thức với những động cơ không trong sáng khi “tự soi, tự sửa”.

    Hai là, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đối với đảng viên trong “tự soi”, “tự sửa”

    Thứ nhất, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về mục đích, vai trò, tác dụng to lớn của “tự soi, tự sửa”; coi trọng giáo dục, xây dựng động cơ đúng đắn cho cán bộ, đảng viên trong thực hành “tự soi, tự sửa”. Thực hiện tốt việc nêu gương, phát huy tính tự giác, nghiêm túc trong “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu phải làm gương trong việc tự rèn luyện, tu dưỡng, thực sự “tự soi, tự sửa” và luôn biết tạo điều kiện để tập thể do mình quản lý, lãnh đạo luôn tự rèn luyện, tu dưỡng. Nếu người đứng đầu cấp ủy, cơ quan tự giác, nghiêm túc “tự soi” và “tự sửa” thì không cán bộ, đảng viên nào dám không “tự soi, tự sửa”! Nhờ đó, tổ chức đảng, cơ quan trong sạch, vững mạnh.

    Thứ hai, cần có sự giúp đỡ của tập thể, của đồng chí trên tinh thần “thương yêu lẫn nhau”, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức.

    Việc “tự soi, tự sửa”, đánh giá ưu, khuyết điểm và cách khắc phục khuyết điểm, hạn chế của cán bộ, đảng viên phải được nhìn nhận có lý, có tình, có xét đến hoàn cảnh cụ thể. Việc chỉ ra khuyết điểm của một cá nhân không chỉ vì cá nhân đó mà còn vì cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí thuyết phục những cá nhân khác. Do đó, phải chống tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ, lợi dụng phê bình để hạ uy tín, đả kích lẫn nhau, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm tổn hại, suy yếu tổ chức đảng. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; bảo vệ người trung thực, dám đấu tranh. Mọi sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc nể nang, né tránh, không dám đấu tranh cũng đồng nghĩa với việc dung túng, bao che cho tiêu cực, để chúng có điều kiện tồn tại và phát triển. Bản thân người đứng đầu cấp ủy, cơ quan phải có quan điểm tích cực và đúng đắn trong “tự soi, tự sửa” của đảng viên và cán bộ cấp dưới, để một mặt chỉ ra được khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp một cách “tâm phục khẩu phục”, mặt khác giúp họ tiến bộ hơn, giúp người khác tránh mắc sai lầm tương tự.

    Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đối với cán bộ, đảng viên, nhất là về tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực thi công vụ.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên đều có những chức quyền nhất định trong hệ thống chính trị các cấp, nhưng dù chức quyền thế nào, to hay nhỏ “mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, các tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt sự kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên; cán bộ, đảng viên cũng đừng e ngại hay có thái độ không đúng về điều này, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Mình trong sạch “thì không việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả”.

    Nghiêm túc “tự soi”, quyết tâm “tự sửa” là việc làm cần thiết, thường xuyên và tự giác để bảo vệ, duy trì danh dự, uy tín, từng bước hoàn thiện nhân cách, tư cách người Cộng sản của mỗi cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng… Qua đó, mỗi người không những tự hoàn thiện mình, tự nâng mình lên mà còn lan tỏa đến những cá nhân khác và giúp cho tổ chức mà mình là thành viên trở nên trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments