LỊCH SỬ HỘI SV
Từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, lớp trẻ học đường trong nước đã dấy lên phong trào “tìm đường hướng mới” bàn việc vận động thanh niên tranh đấu và tìm đọc những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Học sinh, sinh viên đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi hỏi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu bị mật thám bắt cóc ở Thượng Hải đưa về giam ở Cửa Lò (Hà Nội); xuống đường đưa tang cụ Phan Châu Trinh; đòi trả tự do cho trí thức trẻ yêu nước Nguyễn An Ninh… tinh thần đó đã cổ vũ cho các cuộc đấu tranh của nhân dân và thanh niên học sinh trước cách mạng. Các thế hệ thanh niên Việt Nam tự hào về lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ sớm đi theo con đường của Nguyễn Ái Quốc, trực tiếp tham gia dựng Đảng, dựng Đoàn dưới ngọn cờ của Người.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam sau hơn 80 năm dưới ách nô lệ của thực dân, phong kiến đã trở thành người chủ thực sự của đất nước mình. Với khí thế ấy, học sinh, sinh viên nước ta vô cùng phấn khởi, tự hào về thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã nêu cao tinh thần yêu nước, vừa tích cực học tập, vừa tham gia bảo vệ, xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ và anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu. Ngay sau ngày độc lập, đông đảo học sinh, sinh viên đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực tham gia phong trào “diệt giặc dốt” xóa nạn mù chữ cho đồng bào, trước hết là cho bộ phận không nhỏ trong thanh niên; hàng ngàn học sinh, sinh viên của các trường Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế… hăng hái, tình nguyện ra các vùng ngoại vi của thành phố, về nông thôn cùng nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để “diệt giặc đói”; đặc biệt trong các đoàn quân “Nam tiến”, có trên 2 vạn học sinh, sinh viên các tỉnh Trung bộ, Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội đã tình nguyện lên đường chi viện cho các chiến trường phía Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của học sinh, sinh viên ngày một dâng cao, tiêu biểu cho tinh thần ấy là cuộc đấu tranh ngày 09/01/1950 của hơn 2000 học sinh, sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn đòi thả ngay những người bạn bị bắt và mở lại trường học. Trong cuộc đấu tranh ấy đã có sự hi sinh anh dũng của Trần Văn Ơn… sự hi sinh ấy đã dấy lên trong thanh niên và nhân dân cả nước lòng căm thù giặc và ý trí đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Với tinh thần đó, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất (tháng 2/1950) tại căn cứ Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam. Trong 63 năm qua, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc trong mỗi bước trưởng thành của phong trào thanh niên Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, được công nhận là tổ chức chính trị – xã hội của sinh viên Việt Nam.
Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có gần 1.100.000 nghìn hội viên đang sinh hoạt tại hơn 200 Hội Sinh viên trường, 21 Hội sinh viên tỉnh, thành phố, 50 Hội sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương và 05 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài: Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Bỉ.
Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 29 đến 31/07/1955. Tham dự Đại hội có 244 đại biểu chính thức và 255 đại biểu dự thính của các trường đại học, đại biểu sinh viên miền Nam và đại biểu lưu học sinh ở nước ngoài. Đại hội lấy tên mới của tổ chức sinh viên là “Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam”. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ đoàn kết, thống nhất mọi lực lượng sinh viên trong Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam, cùng với thanh niên và nhân dân cả nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc, đòi thực hiện tổng tuyển cử do hai miền Nam, Bắc theo đúng tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đại hội đã thông qua bản điều lệ, chương trình hoạt động và lời kêu gọi sinh viên toàn quốc, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội do đồng chí Nguyễn Quang Toàn làm chủ tịch.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 05 đến ngày 07/05/1958. Tham dự Đại hội có 228 đại biểu chính thức (trong đó có 21 đại biểu sinh viên miền Nam, 22 đại biểu là nữ), 200 đại biểu dự thính; đoàn đại biểu tổ chức sinh viên quốc tế (UIE), đại biểu sinh viên Trung Quốc, Triều Tiên, Mông cổ… đã tham dự Đại hội. Đại hội đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm và huấn thị. Bác dạy; “Lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay. Học lao động phải có quyết tâm, muốn có quyết tâm thì phải có tinh thần, phải có sáu cái yêu:
– Yêu Tổ quốc: Yêu như thế nào? Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
– Yêu nhân dân: Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng với nhân dân.
– Yêu xã hội chủ nghĩa: Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu xã hội chủ nghĩa, vì có tiến lên xã hội chủ nghĩa thì nhân dân mình mới ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.
– Yêu lao động: Muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ nghĩa thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông.
– Yêu khoa học và yêu kỷ luật: Bởi vì tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải có khoa học và kỷ luật…
Cuối cùng, Bác kết luận: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang… Thời đại bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu làm người anh hùng trong thời đại anh hùng”. Đại hội đã bầu anh Lê Hùng Lâm làm Tổng thư ký Trung ương Hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Hà Nội từ ngày 03 đến 05/03/1962. Tham dự Đại hội có 500 đại biểu thay mạt cho hai vạn sinh viên của 10 trường đại học, cao đẳng. Đại hội đề ra các nhiệm vụ: động viên sinh viên học tập, rèn luyện, không ngừng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải thiện đời sống; đoàn kết lực lượng sinh viên, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh thống nhất Tổ quốc; phát triển quan hệ hữu nghị với sinh viên và thanh niên các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, bảo vệ hòa bình; cải thiện tổ chức và hoạt động của Hội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Quang làm Chủ tịch Hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 06 đến ngày 07/01/1970. Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ nhiệm vụ của sinh viên các trường đại học, cao đẳng là: “Ra sức thi đua học tập tốt, xây dựng mục đích, động cơ, và thái độ học tập đúng, xây dựng nền nếp học tập và rèn luyện tốt… hăng hái tham gia lao động sản xuất, tăng cường đoàn kết với đồng bào miền Nam, kiên quyết đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Đại hội rất vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự và nói chuyện, Thủ tướng căn dặn sinh viên Việt Nam ra sức học tập, rèn luyện để trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác Hồ đã dạy.Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Huê làm Chủ tịch Hội. Do tình hình và điều kiện cụ thể nên các trường đại học và các cấp tỉnh, thành chưa tổ chức Hội Sinh viên, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam (từ năm 1970 lấy tên là Hội Liên hiệp Sinh viên Đại học) chủ yếu làm nhiệm vụ đối ngoại.
Để phù hợp với tình hình nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới, Hội nghị đại biểu Hội Sinh viên toàn quốc (7/1985) đã thông qua bản Điều lệ Hội trong điều kiện mới và quyết định đổi tên Hội Liên hiệp sinh viên Việt Namthành Hội Sinh viên Việt Nam với nhiệm vụ: tổ chức, đoàn kết, hướng dẫn và cổ vũ sinh viên Việt Nam thi đua học tập và rèn luyện; cùng với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên; động viên sinh viên hăng hái tham gia hoạt động xã hội; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với sinh viên các nước XHCN và phong trào sinh viên dân chủ trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hội nghị lần này đã hiệp thương thông qua danh sách Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 49 ủy viên do đồng chí Vũ Quốc Hùng, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội, đồng chí Hồ Đức Việt làm Tổng thư ký; năm 1988, đồng chí Hồ Đức Việt giữ trách nhiệm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thay đồng chí Vũ Quốc Hùng nhận công tác mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Hà Nội từ ngày 21 đến 23/11/1993. Tham dự Đại hội có 255 đại biểu chính thức là những sinh viên tiêu biểu của trên 100 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đại hội rất vinh dự được đón đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự. Trong bài phát biểu, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đánh giá: “Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sinh viên và học sinh nước ta luôn luôn là lực lượng hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng giai cấp công nhân, nông dân, giới trí thức và đồng bào cả nước đấu tranh quyết liệt, lâu dài, giành độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Đại hội đã thống nhất thông qua 5 chương trình hành động với các nội dung như: “Người sinh viên – nhà tri thức – chuyên gia tương lai”; hỗ trợ sinh viên học tập – nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng; chăm lo đời sống, quyền lợi, nghĩa vụ của sinh viên; hoạt động văn hóa – thể thao và công tác xã hội; tiếp tục củng cố và phát triển Hội. Đại hội đã hiệp thương và cử ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa V gồm 49 ủy viên, đồng chí Hồ Đức Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được hiệp thương tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội sinh viên việt Nam lần thứ 6 (mở rộng) khóa V, đồng chí Hoàng Bình Quân, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn được hiệp thương giữ chức Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam thay đồng chí Hồ Đức Việt nhận công tác mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 22 đến 23/11/1998. Tham dự Đại hội có 400 đại biểu thay mặt cho hơn 80 vạn sinh viên cả nước. Đồng chí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự Đại hội. Tại Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định: “Sinh viên là bộ phận trí tuệ và ưu tú trong các thể hệ thanh niên, là nơi kết tinh nhiều tài năng sáng tạo, là nguồn lao động có học vấn cao, có chuyên sâu và đại bộ phận sinh viên sẽ trở thành người trí thức của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân vô cùng tin cậy lớp sinh viên ngày nay là lực lượng kế tục và phát huy nguồn lực trí tuệ vô cùng quý giá của dân tộc ta”. Đại hội đã xác định được mục tiêu: Bồi dưỡng để hình thành lớp sinh viên mới vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có kiến thức vững vàng, phong phú, có khả năng tiếp cận trí tuệ thời đại, có hoài bão lớn, lối sống đẹp, yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, có sức mạnh truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; thông điệp của Đại hội là “Sinh viên Việt nam rèn đức, luyện tài vì tương lai tươi sáng”. Đại hội đã hiệp thương và cử Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 63 đồng chí, đồng chí Hoàng Bình Quân, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn được hiệp thương cử tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam lần thứ 7 – khóa VI (tháng 04/2003) đã hiệp thương và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VI gồm 64 ủy viên, đồng chí Bùi Đặng Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương giữ chức Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Sinh viên Việt Nam, Đại hội đầu tiên của Hội Sinh viên Việt Nam trong thế kỷ XXI được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội từ ngày 29 đến 31 tháng 12 năm 2003. Tham dự Đại hội có 550 đại biểu tiêu biểu cho niềm tin, trí tuệ và hoài bão của hơn 1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương đã về dự Đại hội. tại Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của sinh viên Việt Nam “các thế hệ sinh viên chính là nguồn nhân lực có chất lượng cao rất quý báu của xã hội ta. Các bạn là lực lượng sẽ có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi đầu chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học và công nghệ tiên tiến”. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng yếu của công tác Hội và phong trào sinh viên trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước “…tổ chức Hội nhất là ở cơ sở phải được xây dựng mạnh, có đủ năng lực tập hợp sinh viên, làm người bạn gần gũi, đồng hành với sinh viên, vận động và hỗ trợ đắc lực cho sinh viên học tập, rèn luyện…”. Đại hội đã xác định mục tiêu “Tích cực bồi dưỡng góp phần hình thành thế hệ sinh viên mới thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức và lối sống lành mạnh; có sức khỏe tốt; tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học công nghệ, có ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, khát vọng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, tụt hậu; xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội đã thống nhất phát động 2 phong trào hành động đó là: Phong trào “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt” và phong trào “Sinh viên tình nguyện”. Đại hội đã hiệp thương cử Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 78 đồng chí, đồng chí Bùi Đặng Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương cử tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt nam lần thứ 4 – Khóa VII (tháng 8/2005) đã hiệp thương và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII gồm 78 ủy viên, đồng chí Lâm Phương Thanh, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thay đồng chí Bùi Đặng Dũng nhận nhiệm vụ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Sinh viên Việt Nam, được tổ chức trọng thể tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 2 năm 2009. Tham dự Đại hội có 647 đại biểu tiêu biểu cho niềm tin, trí tuệ và hoài bão của hơn 1,5 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và “Xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; giáo dục đại học có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của Trung ương đã về dự Đại hội. Tại Đại hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của sinh viên Việt Nam “là một lực lượng xã hội rất quan trọng, có vai trò và trách nhiệm to lớn trong việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng yếu của công tác Hội và phong trào sinh viên trong giai đoạn tiếp theo là “…Hội Sinh viên Việt Nam cần tiếp tục đi sâu đi sát, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho hội viên, sinh viên, làm cho mọi sinh viên nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như vai trò, vị trí của bản thân và của cả thế hệ sinh viên hiện nay trước tổ quốc, trước nhân dân. Trên cơ sở đó, giúp sinh viên xác định động cơ, mục đích học tập đúng đắn: học để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, học để làm việc, làm người; đồng thời cổ vũ sinh viên ra sức rèn luyện đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh: sống đẹp, sống có ích, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; giúp sinh viên quán triệt và thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “ Yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học, kỹ thuật …”. Đại hội đã xác định mục tiêu “Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh, tập hợp, đoàn kết, giáo dục sinh viên giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, sống có văn hoá, lý tưởng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; phối hợp với ngành giáo dục & đào tạo, các cấp, các ngành, các đoàn thể xây dựng lớp sinh viên có kiến thức chuyên môn, lịch sử, xã hội phong phú, có kỹ năng và lối sống đẹp, có hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật; tích cực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của sinh viên; phát huy tiềm năng của sinh viên xung kích, tình nguyện xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, chung sức cùng cộng đồng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đại hội đã thống nhất phát động 2 cuộc vận động, đó là: cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”và cuộc vận động “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh”. Đại hội đã hiệp thương cử Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 89 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.