LỊCH SỬ HỘI LHTN
GIỚI THIỆU VỀ HỘI LHTN VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT
- Giới thiệu chung
– Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam.
– Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
– Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của tuổi trẻ.
– Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, hợp tác với thanh niên, các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Tôn chỉ, mục đích của Hội
Hội LHTN Việt Nam có mục đích: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- Chức năng của Hội LHTN Việt Nam
– Tập hợp, đoàn kết, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và tạo điều kiện để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và tổ chức thành niên trước pháp luật và công luận.
- Nhiệm vụ của Hội LHTN Việt Nam
– Đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cống hiến tài năng, sức trẻ cho mục tiêu chung, khuyến khích hội viên và thanh niên tham gia tích cực vào hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.
– Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của hội viên, thanh niên.
– Kêu gọi và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và các tổ chức thành viên.
– Đoàn kết hợp tác với tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của tuổi trẻ.
– Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Cơ cấu tổ chức của Hội LHTN Việt Nam
a. Hệ thống Ủy ban Hội các cấp:
– Hội LHTN Việt Nam được thành lập:
+ Cấp Trung ương.
+ Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương
+ Cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
+ Cấp xã, phường, thị trấn và tương đương.
Hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã có Ủy ban Hội và Hội LHTN Việt Nam Tập Đoàn Sông Đà trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam và có mạng lưới chi Hội, Câu lạc bộ, Tổ, Đội, Nhóm thanh niên ở cơ sở.
b. Các tổ chức thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam:
– Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
– Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
– Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam
– Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam
– Ban vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam
– Ban vận động thành lập Hội Công nghệ và Tin học trẻ Việt Nam
– Ban vận động thành lập Hội Xây dựng trẻ Việt Nam
– Ban vận động thành lập Hội Tài chính Ngân hàng trẻ Việt Nam
c. Các đơn vị trực thuộc Hội LHTN Việt Nam:
– Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên
– Trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân và gia đình
– Trung tâm giáo dục vị thành niên
– Trung tâm Dạy nghề thanh niên
– Báo thanh niên
– Hãng phim thanh niên
– Cổng tri thức Thánh Gióng (www.thanhgiong.vn)
PHẦN II CÁC MỐC SON LỊCH SỬ
Các kỳ Đại hội và Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trong các nhiệm kỳ
* Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam – là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
* Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Bác sỹ – Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.
* Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu làm Chủ tịch.
* Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội và quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam.
* Từ ngày 13-15/1/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 599 đại biểu. Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
* Tháng 2/2003, anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
* Ngày 25-27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với 798 đại biểu. Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
* Tháng 2/2008, anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
* Đại hội VI diễn ra trong 2 ngày 26-27/4/2010 tại Hà Nội với 995 đại biểu. Anh Nguyễn Phước Lộc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam khóa V được hiệp thương làm chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VI.
PHẦN III CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
- Hoạt động của Hội LHTN Việt Nam hiện nay
* Mục tiêu: Xây dựng Hội LHTN Việt Nam vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, cổ vũ thanh niên xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp; phát huy tài năng và sức trẻ của thanh niên trong hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
* Các cuộc vận động của Hội:
– Cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp – sống có ích” .
– Cuộc vận động “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”.
– Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”.
* Các chương trình của Hội:
– Chương trình 1: “Khi Tổ quốc cần”.
– Chương trình 2: Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
* 10 Sự kiện tiêu biểu
- Cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp” gắn với cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”được các cấp bộ Hội triển khai trong cả nước thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Cuộc vận động đã tác động hình thành các Giải thưởng được tổ chức hằng năm cho thanh niên:“Thanh niên dân tộc thiểu số, sống đẹp làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên làm theo lời Bác – Sống đẹp vì cộng đồng”, “Thanh niên sống đẹp”.
- Chương trình “Phổ cập tin học nối mạng tri thức cho thanh niên nông thôn, miền núi” làm tiền đề cho việc cổ vũ đông đảo thanh niên tích cực học tập tin học và khai thác các ứng dụng của công nghệ thông tin vào học tập, công tác và trong cuộc sống; tác động thêm nhiều giải pháp góp phần thực hiện Chương trình“Một triệu giờ đồng hành”phổ cập tin học và truy cập Internet miễn phí cho thanh thiếu niên tại các điểm bưu điện văn hoá xã trên toàn quốc. Chương trình “Xây dựng 1000 điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khoa học công nghệ và truy cập Internet cho thanh niên nông thôn, miền núi”.
- Chương trình “Duyên dáng Việt Nam” do Báo Thanh niên tổ chức đã tạo ấn tượng trong xã hội. Chương trình đã được mở rộng tổ chức cả trong và ngoài nước giới thiệu văn hóa Việt và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Giải thưởng “Nhân tài đất việt” đã góp phần cổ vũ đông đảo thanh niên Việt Nam học tập cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam giầu mạnh và văn minh.
- Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” được tổ chức hằng năm đã khẳng định vai trò xung kích của thanh niên Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời Hội đã có bước phát triển gắn với cuộc vận động “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam” được Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân ủng hộ.
- Phong trào “Hiến máu tình nguyện” tiếp tục phát triển rộng khắp góp phần mở rộng đối tượng và gia tăng số lượng người hiến máu. Nhiều mô hình hiến máu hiệu quả được duy trì tại các địa phương, hình thành các câu lạc bộ tình nguyện hiến máu, câu lạc bộ hiến máu dự bị, Hội thanh niên hiến máu tình nguyện.
- Giải thưởng 15/10; Học bổng Phan Châu Trinh; Giải thưởng “Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu”, Học bổng Nguyễn Thái Bình, đã cổ vũ đông đảo cán bộ, hội viên và thanh niên thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và tình nguyện vì cộng đồng; đồng thời góp phần tích cực vai trò của Hội trong việc thành lập Quĩ Hỗ trợ thiên tai miền Trung.
- Chương trình “Khi Tổ quốc cần” được phát động và triển khai đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Chương trình góp phần xây dựng niềm tin, thắp sáng ước mơ cho thế hệ trẻ vững bước trong cuộc sống, học tập, lao động và công tác, từ đó có nhận thức đúng đắn về vai trò của mỗi cá nhân trong tiến trình phát triển của đất nước. Chương trình được thực hiện định kỳ, dài hạn tại nhiều địa phương trong cả nước với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là các hoạt động biểu dương người tình nguyện trên các lĩnh vực góp phần đẩy mạnh Chương trình tình nguyện mùa đông với chủ đề: Ấm áp mùa đông, chương trình tình nguyện mùa bão lũ…
- Sự ra đời của Hội trí thức khoa học công nghệ trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Ban vận động thành lập các Hội: Hội Công nghệ và tin học trẻ, Hội Thanh niên Khuyết tật, Hội kiến trúc sư và xây dựng và trẻ đã góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết thanh niên theo ngành nghề và theo nhu cầu phát triển ngày càng đa dạng của thanh niên; phát huy thanh niên vào sự phát triển của đất nước.
- Cuộc vận động “Nghĩa tình Côn Đảo” đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên bằng việc xây dựng các công trình truyền thống cụ thể. Phát động Cuộc vận động “Nghĩa tình biên cương Tổ quốc” với chương trình “Nốt nhạc biên cương” đã làm sâu sắc thêm cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”.
- Cuộc vận động “Thanh niên với văn hoá giao thông” đã có ảnh hưởng tích cực trong xã hội, từng bước tạo ảnh hưởng để Tháng an toàn giao thông hằng năm gắn liền với chủ đề của phong trào Văn hóa Giao thông.