Lan tỏa tình yêu biển đảo cho thế hệ trẻ Đất Tổ
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục về chủ quyền biển, đảo, những năm qua, Phú Thọ đã có nhiều chương trình, hoạt động và việc làm ý nghĩa nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, lòng tự hào dân tộc và có trách nhiệm đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa tại khuôn viên Trường THCS Sông Thao, huyện Cẩm Khê.
Thiêng liêng chủ quyền Tổ quốc
Từ tháng 12/2020, ý tưởng đưa Trường Sa về gần hơn với những người dân Đất Tổ đã trở thành hiện thực khi những cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa được xây dựng và hoàn thiện. Từ đó đến nay, tại nhiều địa phương và đặc biệt tại huyện Cẩm Khê, cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa trở thành công trình có ý nghĩa quan trọng, hiện diện tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng một cột mốc ban đầu, đến nay toàn huyện Cẩm Khê đã có 38 cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa. Trên cột mốc ghi đầy đủ thông tin về kinh độ, vĩ độ đặt kèm dòng chữ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đặc biệt, tất cả các công trình kể trên đều được xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hoá, với tổng trị giá hơn 900 triệu đồng.
Là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa, cho tới nay Trường THCS Sông Thao (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thực tiễn cho học sinh về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sông Thao cho biết: Các hoạt động chào cờ, ngoại khoá… được nhà trường tổ chức trước cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo Trường Sa xây dựng tại sân trường. Đây là hoạt động giáo dục một cách trực quan để khơi gợi tình yêu và lòng tự hào dân tộc cho các em.
Ông Bùi Ngọc Luận – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê khẳng định: Những năm qua, ngành giáo dục huyện đặc biệt quan tâm phổ biến nội dung tuyên truyền biển, đảo tại các đơn vị giáo dục. Qua đó, khơi dậy tình yêu và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Không riêng tại Cẩm Khê, tại các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã có nhiều vận dụng sáng tạo, lồng ghép các nội dung giáo dục về chủ quyền biển, đảo, chủ quyền biên giới vào các môn học có khả năng tích hợp hoặc giảng dạy ở phần giáo dục địa phương.
Nhiều trường đã tổ chức chuyên đề biển, đảo trong các hoạt động ngoại khóa; thi vẽ tranh, kể chuyện, hùng biện, làm báo tường, tổ chức viết thư gửi các chiến sĩ Trường Sa… Thông qua việc tích hợp nội dung giáo dục, các buổi tuyên truyền, hội thi… đã cung cấp cho học sinh nhiều thông tin cụ thể, chi tiết, chân thực về chủ quyền biển, đảo.
Lữ Đoàn 685 Vùng 4 Hải Quân tặng và trồng cây Mù U tại Trường THCS Văn Khúc, huyện Cẩm Khê.
Lời hứa của thế hệ trẻ
Thực tế cho thấy, nhờ có những hoạt động linh hoạt, sáng tạo trên toàn tỉnh nhằm giáo dục kiến thức, bồi đắp tình yêu với biển đảo quê hương với thế hệ trẻ mà nhận thức của không chỉ các em học sinh mà còn đông đảo quần chúng nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực.Mỗi em học sinh từ những kiến thức, trải nghiệm của mình đã trở thành những “tuyên truyền viên nhí” với gia đình, cộng đồng của các em. Em Tạ Minh Anh – Học sinh Trường THCS Văn Lang (TP Việt Trì) cho biết: Em rất vui khi được tham gia các hoạt động ngoại khoá về chủ đề biển đảo, được dạy về chủ quyền của đất nước. Qua đó, em cũng về và truyền đạt lại những gì mình được biết với gia đình, bạn bè để mọi người thêm hiểu và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.Xác định giáo dục, bồi đắp tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, ngành Giáo dục và Đoàn thanh niên sẽ phối hợp với các địa phương, trường học tăng cường các hoạt động giáo dục về chủ đề biển, đảo phù hợp. Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ – Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Việc bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý chí tự cường và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với chủ quyền, lãnh thổ quốc gia là rất cấp thiết. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền về biển, đảo vào các nội dung trọng tâm của chương trình công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở đoàn trong triển khai thực hiện; thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi tham gia hưởng ứng. Qua đó, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ cùng chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc; lan tỏa tình yêu biển, đảo trong thế hệ trẻ.
Giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho thế hệ trẻ là việc có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng. Qua đó, góp phần giúp học sinh hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo và có nhận thức đúng về biển, đảo. Đồng thời, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, biển, đảo cho các em và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc.