Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên Việt Nam

          Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi và tràn đầy sức sống của những ngày đầu Thu lịch sử, khắp mọi nẻo đường, con phố những lá Quốc kỳ tung bay thắm tươi với niềm hân hoan, tự hào và kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng từng vượt qua bao gian nan, thử thách chông gai để giành được độc lập ngày hôm nay. Trải qua hơn 80 năm gan góc chống ách nô lệ của thực dân pháp và phát xít Nhật, biết bao triệu người con ngã xuống, biết bao triệu người đã hóa thân mình với núi sông vì nền độc lập của dân tộc. Với mỗi người dân Việt Nam, dù đã từng chứng kiến, lưu giữ kỷ niệm về Tết Độc lập đầu tiên hay sinh ra và trưởng thành khi đất nước đã hòa bình, phát triển, tất cả đều trào dâng niềm xúc động, tự hào về một dân tộc kiên trung, một đất nước anh hùng.

          Trong thời khắc thiêng liêng này, thế hệ trẻ chúng ta luôn nhớ về lời dặn của Bác trong Thư gửi thanh niên ngày 2/9/1965:

          “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

          Từ năm tháng kháng chiến đến hòa bình lịch sử

          Cuối năm 1964 đầu năm 1965, trước sự suy sụp nghiêm trọng của quân đội và chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ đã chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” – một “cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người” – bằng việc đưa quân viễn chinh ồ ạt vào tham chiến trên chiến trường chính miền Nam và đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc.

          Trong bối cảnh đất nước đối mặt với chiến tranh khốc liệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên bừng bừng khí thế dấy lên các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” (ở miền Bắc), “Năm xung phong” (ở miền Nam) để góp phần cho sự nghiệp “chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi”. Ngay sau đó đã có 14 vạn nam, nữ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong gia nhập 170 đội và 50 đại đội trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước cả nước từ năm 1965 – 1975 có trên 271.000 đội viên có mặt trên tất cả các chiến trường, các địa bàn trọng điểm của cả nước để làm các nhiệm vụ: Mở đường, bảo đảm giao thông; phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu; tháo gỡ bom mìn; cáng tải thương binh, tử sĩ; vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, hậu cầu,… Đặc biệt trên hệ thống đường Trường Sơn lịch sử, có 46.000 Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở tất cả 5 tuyến trục dọc và 21 tuyến trục ngang, điển hình là các con đường 12, 15A, 15B, đường 20 Quyết Thắng, đường 10 (20/7) Đông Trường Sơn… và nhiều trọng điểm khác. Tất cả đã bám trụ tới gần chục năm dòng rã cùng bộ đội, công nhân giao thông và nhân dân địa phương để giữ vững mạch máu giao thông chủ đạo cho chiến trường miền Nam. Trong suốt thời kỳ kháng chiến, Thanh niên xung phong cả nước đã mở được 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4130km, vận chuyển 10 vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường; trực chiến, chốt giữ, bảo đảm 3.000 trọng điểm giao thông quan trọng thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt; đào 1135km hầm hào, xây dựng 8 bệnh viên dã chiến và 272 kho tàng; phá, gỡ thu gom trên 100.000 quả bom các loại; bắn rơi 15 máy bay Mỹ; bắt sống 13 phi công và gần 1.000 tên địch; trực tiếp chiến đấu 40 trận; bổ sung 16.000 người sang quân đội; đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông,…

          Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng Thanh niên xung phong đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, tặng thưởng: Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạnh Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng,… và vô vàn thành tích tập thể khác. Sự ra đời và phát triển của lực lượng Thanh niên xung phong là sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống của thế hệ Thanh niên xung phong chống Pháp và góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước.

          Dấu ấn của thanh niên trong dựng xây tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam

          Đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, thế giới đứng trước những vấn đề toàn cầu và việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của toàn nhân loại. Cùng với đó, sau hơn 70 năm tồn tại, đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện, sâu sắc. Đứng trước những vấn đề chung của nhân loại, và yêu cầu cấp bách trong nước, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới và nó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày càng thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo của mình.

          Ngay từ những ngày đầu đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, đặt niềm tin vào thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu trong công cuộc tái thiết đất nước. Đầu năm 1993, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa VII), Đảng ta xác định “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” (1). Qua 15 năm, đến năm 2008, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực cho con người. Chăm lo, phát trển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đả cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước” (2). Cụ thể hóa những quan điểm, chỉ đạo tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội, Đại hội đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI năm 1992, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là: “Thanh niên lập nghiệp” “Tuổi trẻ giữ nước”. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII năm 2002 với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguện” Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng xiết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX năm 2007 đã đưa ra mục tiêu chung của công tác thanh niên: “…tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam xung kích “Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và đặc biệt triển khai hai phong trào lớn là “Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

          Trong những năm gần đây và những năm tới, dự báo tình hình thế giới bên cạnh mặt tích cực cũng tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ với những đột phá khoa học và tiến bộ công nghệ sẽ thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thực đối với mọi quốc gia. Ở trong nước, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới với thế và lực mới; tuy nhiên chúng ta gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động của suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu; dịch bệnh, đời sống, việc làm và những tiêu cực, tệ nạn xã hội,… ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống nhân dân, trong đó có thanh niên. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng về công tác thanh niên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3).

Thông qua rất nhiều các phong trào, chương trình hành động cụ thể, tuổi trẻ cả nước đã phần nào thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể đến các phong trào như: “Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cùng với việc thực hiện các phong trào “Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, cuộc thi “Tự hào Việt Nam”, phong trào “Thanh niên làm theo lời Bác, sống đẹp vì cộng đồng”,… Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương được thực hiện hiệu quả với sự đóng góp rất lớn của lực lượng thanh niên như Làng thanh niên lập nghiệp, đề án Đảo thanh niên, chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Trách nhiệm xã hội của thanh niên đối với Tổ quốc được thể hiện rõ nét thông qua việc nhiều người trẻ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹ lãnh thổ, đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu. Cùng với đó là nhiều chương trình hành động, phong trào cụ thể như cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Xuân biên giới, Tết hải đảo”, “Góp đá xây Trường xa” Theo một khảo sát cho thấy, về ý thức bảo vệ Tổ quốc của thanh niên, sinh viên Việt Nam, thì có tới 96,42% trả lời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của thanh niên sinh viên Việt Nam; 84,15% người thừa nhận rằng giới trẻ hiện nay có khát khao, trăn trở muốn đóng góp sức mình xây dựng đất nước; có 77,39% sinh viên trả lời sẵn sàng và nhiệt tình tham gia khi được yêu cầu tham gia các hoạt động xã hội ở nơi cư trú (4).

          Lý tưởng thanh niên Việt Nam

Thanh niên Việt Nam ngày nay mang trên vai trọng trách lịch sử, đó là phải trở thành lực lượng có trí tuệ, có tay nghề cao, có đạo đức và lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cường tráng để đưa Việt Nam “sáng vai với cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn rặn. Để làm được những điều đóm thế hệ thanh niên chúng ta cần:

          Thứ nhất, thanh niên phải tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng. Bối cảnh trong nước và quốc tế đang tác động lên tất cả các đối tượng thanh niên, tác động một cách toàn diện lên tư tưởng, tình cảm, lối sống, nhu cầu của từng thanh niên. Do đó, thanh niên phải rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh; tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng…

          Thứ hai, thanh niên cần tích cực học tập và tự học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và tay nghề. Trong thời kỳ phát triển kinh tế – xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, thanh niên nước ta cần nâng cao trình độ học vấn, tay nghề khả năng thực tế, kỹ năng lao động để thích ứng với thị trường lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế.

          Thứ ba, thanh niên phải tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Tích cực tham gia bảo vệ và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp vững mạnh và tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc. Các đối tượng thanh niên tự nguyện, tự giác tham gia vào các hội của thanh niên, phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên của Đảng và hội viên của các quần chúng nhân dân.

          Thứ , thanh niên cần chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế; tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; tham gia vào công tác ngoại giao nhân dân để nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động và tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu như: giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ dân số, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo…

Sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, tri thức, đạo đức cách mạng để thực hiện sứ mệnh lịch sử như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường; Đất nước ta ngày càng giàu mạnh; Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Dân tộc ta ngày càng vẻ vang, ngẩng cao đầu sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

 

Ngô Dũng

 

 

 

 

 

(1) Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/01/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) “Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới”.

(2) Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

(3) Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(4) Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên (chủ biên (2015), Đinh hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.214-215.

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments