Giám sát việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông

Ngày 28/6/2023, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Tâm – TUV, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước từ năm 2020 đến nay.

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Thanh Tâm phát biểu kết luận buổi giám sát

Tham gia đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Hùng Sơn cho biết: Mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, tuy nhiên thời gian qua, hoạt động ứng dụng CNTT đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, triển khai quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và thực hiện hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách về lĩnh vực CNTT nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đồng bộ, thống nhất, liên thông 3 cấp từ tỉnh đến xã, đáp ứng yêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi phương thức, lề lối làm việc của cán bộ công chức, viên chức; rút ngắn thời gian xử lý công việc, công khai minh bạch thông tin giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị trong thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, đất đai đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; lựa chọn các nền tảng CNTT để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, phục vụ hiệu quả cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cùng với đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị phối hợp thực hiện rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để đảm bảo 100% các TTHC đủ điều kiện cung cấp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đồng thời đẩy mạnh việc triển khai chứng thực điện tử, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, đưa công tác chuyển đổi số nói chung, ứng dụng CNTT nói riêng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Đồng chí Trịnh Hùng Sơn – TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu làm rõ thêm kết quả trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề nghị làm rõ kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và các giải pháp liên quan đến việc đầu tư hạ tầng CNTT, xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, nâng cấp trang thông tin điện tử, chế độ chính sách cho cán bộ bộ phận một cửa…

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Thanh Tâm đánh giá cao kết quả đạt được, đặc biệt là sự chủ động, trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành và thực hiện hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách về lĩnh vực CNTT; sự vào cuộc tích cực của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các cấp ủy, chính quyền nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý trong cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc khai thác, ứng dụng CNTT tới các cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là phát huy vai trò của Ban chỉ đạo chuyển đổi số và hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao kỹ năng số.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh. Trong đó cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT; nâng cấp, hoàn thiện, chuẩn hóa cổng/trang thông tin điện tử; chú trọng triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong các cơ quan Nhà nước.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đảm bảo 100% các TTHC đủ điều kiện cung cấp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đồng thời đẩy mạnh việc triển khai chứng thực điện tử, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Đầu tư, nâng cấp Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Trung tâm Dữ liệu số của tỉnh đảm bảo đáp ứng các yêu cầu phát triển chính quyền số của tỉnh.

Đồng chí đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện hệ thống thanh toán trực tuyến, thêm nhiều phương thức để người dân có nhiều lựa chọn thanh toán khi tham giải quyết các TTHC, nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến. Cùng với đó, phối hợp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, BHXH, BHYT đồng bộ, thống nhất với cấp tỉnh, trung ương. Triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên, môi trường, văn hóa, thể thao và du lịch, lao động – thương binh và xã hội, đáp ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của trung ương, của tỉnh về công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính nhằm đưa công tác chuyển đổi số đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí cũng ghi nhận ý kiến, kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quang Thắng trình bày báo cáo kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay

Từ năm 2020 đến nay, hạ tầng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ cán bộ công chức (CBCC) cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt 100%; cấp xã đạt 82%, tăng 12% so với năm 2020. Tỷ lệ dân số trưởng thành toàn tỉnh có điện thoại thông minh đạt 81,82%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 72,61%, tăng 16,51% so với năm 2020.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Tiến Hưng phát biểu tham gia ý kiến liên quan đến việc đảm bảo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng cơ chế, chính sách cho cán bộ bộ phận một cửa

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tính đến tháng 6/2023, hệ thống cung cấp 2.024 TTHC, trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 690 thủ tục (đạt 34,09%); dịch vụ công trực tuyến một phần 868 thủ tục (đạt 42,89%). Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 69,86%, tăng 64,97% số với năm 2020.

100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã có Cổng/Trang thông tin điện tử; 13/13 huyện, thành, thị đã triển khai Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT – Viễn thông cho các xã trực thuộc (179/225 xã, tăng 79,55% so với năm 2020). 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh triển khai gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định). Trung bình tiết kiệm tiết kiệm trên 1,05 tỷ đồng/tháng cho ngân sách nhà nước.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Hồng Thúy phát biểu làm rõ thêm kết quả triển khai Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT – viễn thông và xây dựng, nâng cấp hệ thống cổng/trang thông tin điện tử

Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống họp trực tuyến của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã; 100% báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ, của tỉnh được thực hiện thông qua hệ thống.

Các hệ thống nền tảng triển khai chuyển đổi số gồm: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; hệ thống mạng diện rộng; hệ thống thông tin báo cáo; Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) được duy trì đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả. Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh được triển khai xây dựng để phân tích, tổng hợp dữ liệu của tỉnh và các ngành, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh và cung cấp thông tin, dữ liệu cơ bản cho người dân và doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi làm việc

Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, về cơ sở dữ liệu về dân cư, đã thực hiện cấp mới 1.246.226 thẻ căn cước công dân, 644.566 tài khoản định danh điện tử; về cơ sở dữ liệu địa chính, đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 129/225 xã, thị trấn của 13 huyện, thành, thị với 232.823,71ha; bản đồ được xây dựng, lưu trữ ở dạng số và dạng giấy.

Đến nay, 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã bố trí cán bộ chuyên trách/phụ trách về CNTT. 100% các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.356 tổ công nghệ số cộng đồng và 7.454 thành viên. 100% các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện giảng dạy môn tin học cho học sinh qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đồng thời là nền tảng xây dựng công dân số trong tương lai.

Việc ứng dụng CNTT góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Trong đó, Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 18/63 (tăng 13 bậc so với năm 2020); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 10/63 (tăng 28 bậc so với năm 2020); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so năm 2020); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công hiện đang thực hiện giải quyết 1.405 TTHC, trong đó số TTHC trực tuyến là 1.228, đạt tỷ lệ 87,4%. 100% tỷ lệ hồ sơ tại Trung tâm được cập nhập đầy đủ thông tin, quy trình giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến năm 2020 đạt 69,99%; năm 2021 là 88,44%; năm 2022 là 88,48%; đến hết tháng 5/2023, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 82,63%; 100% hồ sơ được cập nhật đầy đủ thông tin, quy trình giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử…

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments