Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục

Toàn ngành Giáo dục đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% các cơ sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.

Báo cáo về chuyển đổi số trong giáo dục, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải cho biết, thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT nói riêng, ngành GD&ĐT nói chung đã đạt một số kết quả quan trọng.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,…) và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Thực hiện Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Ứng dụng CNTT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Năm 2022, Bộ GD&ĐT hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai trong toàn ngành. Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Bộ GD&ĐT còn đang nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các sở, phòng với Bộ GD&DT phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành Giáo dục, đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành. Bộ cũng xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông.

Bộ sẽ sớm đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và GD&ĐT nói riêng, Thứ trưởng đặc biệt đánh giá cao năng lực thích ứng, tích cực học hỏi và thực hành ứng dụng CNTT vào dạy học của đội ngũ giáo viên. Trong bối cảnh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa kiên trì mục tiêu chất lượng và hoàn thành kế hoạch năm học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, có 3 vấn đề cốt lõi của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Đó là: Góp phần tạo ra sự đột phá, phát triển khác biệt cho cả giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; lấy người học học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá chuyển đổi số; xác định vai trò trách nhiệm chuyển đổi mạnh mẽ của cán bộ quản lý. Những đòi hỏi này cần được cụ thể hoá bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.

Giải pháp thời gian tới, Bộ GD&ĐT tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông.

Tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD&ĐT. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025”./.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments