Cử nhân khởi nghiệp từ trồng rau đạt lợi nhuận tiền tỉ
Tốt nghiệp cử nhân ngành môi trường, anh Hoàng Đức Mạnh (ngụ P.Hồng Phong, TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quyết định về quê khởi nghiệp với nghề nông và hiện hợp tác xã của anh đã có doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm, đạt lợi nhuận trên 2 tỉ đồng.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Hoàng Đức Mạnh (31 tuổi), Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, cho biết anh tốt nghiệp ngành môi trường tại Học viện Nông nghiệp VN. Từ khi còn học ĐH, nhận thấy quê mình có thế mạnh phát triển nông nghiệp, anh đã cùng mẹ thành lập HTX để đầu tư sản xuất. “Gia đình tôi vốn làm nghề nông nên tôi thấu hiểu sự vất vả của người nông dân. Từ đó, tôi muốn thay đổi cách sản xuất và làm giàu ngay trên quê hương mình”, anh chia sẻ.
Ban đầu, gia đình anh vận động được 7 người cùng góp vốn tổng cộng 1 tỉ đồng để thành lập HTX. HTX đã thuê lại ruộng của bà con để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng tập trung và áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng nông sản.
“Trước thực trạng bệnh ung thư ngày càng nhiều, nhu cầu sản xuất thực phẩm sạch rất lớn, nên tôi xây dựng mô hình trồng rau an toàn phục vụ bà con. Năm 2013, HTX thuê lại ruộng đất của hơn 150 hộ dân với diện tích 13 ha để trồng rau củ quả sạch, đạt sản lượng 1.000 tấn/năm. Hằng năm, HTX còn ươm 500.000 cây súp lơ giống để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngoài ra, HTX cũng sản xuất hạt giống rau màu như: cải cúc, rau đay, mồng tơi… sản lượng 1 tấn giống/năm để tự phục vụ sản xuất”, anh Mạnh cho biết.
Năm 2021, anh mạnh dạn liên kết đầu tư nhà màng diện tích 11.000 m², với tổng chi phí trên 3 tỉ đồng, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các loại cây như dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, các loại rau màu…
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Mạnh luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt công nghệ mới trong sản xuất và kinh doanh. Anh cho biết HTX đã ứng dụng hệ thống trồng dưa giá thể (gieo hạt trong khay ở nhà màng); ứng dụng công nghệ tưới tự động 4.0 có thể kiểm soát và điều khiển qua điện thoại, ghi chép lịch trình tưới tự động; hệ thống máy gieo hạt tự động 6 trong 1 hiện đại công suất 25.000 hạt cây giống/giờ…
Không chỉ sản xuất, anh còn tìm hiểu và học hỏi thêm về dây chuyền sấy, nghiên cứu chế biến sản phẩm, để Hoa Phong trở thành một trong những HTX tiên phong về sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện HTX có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: hành thái lát sấy khô, bột sắn dây tinh khiết, gạo nếp cái hoa vàng…
Nhờ đó, tổng doanh thu của HTX lên tới hàng chục tỉ đồng mỗi năm, có năm lên tới 64,2 tỉ đồng, tổng lợi nhuận đạt trên 2,3 tỉ đồng.
Theo anh Mạnh, hiện HTX có 30 lao động thường xuyên, 50 lao động mùa vụ với mức lương cao gấp 2 lần thu nhập từ công việc sản xuất nông nghiệp như trước đây. Đặc biệt, HTX đã xây dựng các thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho nông sản và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện đời sống của bà con nông dân.
“Trước đây bà con nông dân trồng sắn chỉ bán được giá khoảng 6.000 đồng/kg, nhưng sau khi chế biến có thể bán với giá gấp hơn 10 lần. Rau củ của bà con sau thu hoạch không phải lưu trữ lâu trong nhà, mà chúng tôi thu mua với giá cao, giúp họ không còn phải lo đầu ra sản phẩm”, anh Mạnh cho biết.
Để đảm bảo tiêu thụ nông sản, anh liên kết với các đối tác nước ngoài để xuất khẩu. Đồng thời anh liên hệ tìm nhà máy, cơ sở chế biến cho các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, anh triển khai dự án “Tăng thu nhập cho các tiểu nông có sử dụng HTX nông nghiệp và giảm tỷ lệ hao hụt trong phân phối nông sản thông qua chuỗi cung ứng lạnh” tại TX.Đông Triều. Bước đầu dự án đã góp phần liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
“Dự án được triển khai từ cuối năm 2020, do HTX phối hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện. Mục tiêu của dự án là tăng thu nhập cho nông dân canh tác bền vững, cải thiện môi trường canh tác cho HTX nông nghiệp và các tiểu nông, thông qua ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân. Trước đây, nông dân sản xuất theo phương thức truyền thống, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, chưa bài bản, thiếu khoa học. Khi tham gia dự án, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, đưa các giống rau mới năng suất cao vào sản xuất, đã tạo cơ hội tăng thu nhập cho các hộ nông dân”, anh Mạnh chia sẻ.
Khi tham gia HTX, tất cả các sản phẩm của hộ nông dân đều được bao tiêu và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bà Nguyễn Thị Thành (ngụ P.Xuân Sơn, TX.Đông Triều) phấn khởi cho biết: “Tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật canh tác liên tục, nên năng suất được nâng cao. Một sào rau thu lãi 3 triệu đồng, tính ra bằng 2 sào lúa. Điều quan trọng là chúng tôi không phải mang sản phẩm ra chợ bán, mà được HTX bao tiêu. Đời sống người dân nhờ đó đã được nâng cao”.
Để có được thành công này, anh Mạnh cũng trải qua rất nhiều khó khăn. “Có năm chúng tôi trồng 100 tấn bắp cải nhưng gặp trận mưa đá khiến rau hư hết, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Có năm gần đến ngày thu hoạch nhưng trời nồm ẩm, chúng tôi cũng phải bỏ đi cả trăm tấn súp lơ, bị thiệt hại nặng… Dù vậy, tôi vẫn luôn không ngừng cố gắng, vì tuổi trẻ là phải mạnh dạn bước đi”, anh bày tỏ.
Với nỗ lực của mình, năm 2021 anh Hoàng Đức Mạnh được tôn vinh là một trong 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc. Năm 2022, anh là một trong 9 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh. Năm 2023, anh được trao Giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn tổ chức.
Nguồn: Báo Thanh Niên