Chuyển đổi số trong cho vay tín dụng chính sách
Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt tạo hệ sinh thái số về tài chính bao trùm hay tài chính toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Không nằm ngoài cuộc, với vai trò của mình, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong cho vay tín dụng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Linh hoạt và tiện lợi
Anh Hà Mạnh Linh ở khu Đồng Tâm, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê được Ngân hàng CSXH huyện cho vay gần 200 triệu đồng theo Chương trình cho vay giải quyết việc làm. Gia đình anh đã đầu tư cửa hàng kinh doanh trang thiết bị điện nước. Anh Linh chia sẻ: Từ khi ngân hàng triển khai ứng dụng công nghệ số là kênh thông tin Zalo, dịch vụ Mobile Banking, tôi thấy rất tiện lợi cho cả người dân và ngân hàng. Ở cửa hàng của mình hay đi giao, nhập hàng một nơi xa vẫn có thể xem số kỳ đóng gốc lãi đối với khoản vay của gia đình cũng như nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác trên chiếc điện thoại di động thông minh. Điều này thay thế cho việc trước kia tôi phải gọi điện hay trực tiếp đến gặp Tổ trưởng tổ kiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoặc cán bộ tín dụng để hỏi về các vấn đề liên quan đến chính sách hay số tiền cần trả cho khoản vay của gia đình…
Theo chia sẻ của anh Hà Xuân Đường, khu 2, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, giờ đây, ở bất kỳ chỗ nào, thời gian nào, chỉ một thao tác đơn giản với chiếc điện thoại cũng có thể tự lập hồ sơ vay vốn một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ngay cả khi không biết sử dụng điện thoại cũng có thể nhờ cập nhật, tải thông tin về đọc cho nhau nghe rồi hướng dẫn các bước làm thủ tục hồ sơ vay vốn.
Với vai trò là Tổ trưởng tổ TK&VV khu Trung Tiến 2, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, bà Phạm Thị Chuyên cho biết: Tổ hiện có 48 thành viên với dư nợ cho vay gần 2,3 tỉ đồng. Thời gian trước, các thành viên đều tìm hiểu thông tin vay vốn từ văn bản giấy hoặc đến gặp trực tiếp để được nghe giải thích, hướng dẫn. Nay việc ứng dụng công nghệ số của Ngân hàng CSXH trên thiết bị di động không chỉ giúp giảm tải nhiều việc cho công tác quản lý mà còn giúp bà con thuận lợi hơn. Các bên vay và cho vay tiết giảm được nhiều thời gian, hạn chế được việc phải đến tận nhà hay nơi làm việc để thông tin, trao đổi.
Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động cho vay tín dụng chính sách. Ông Nguyễn Ngọc Lâm – Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ trao đổi: Tổng dư nợ đến nay của Ngân hàng đạt trên 237 tỉ đồng với gần 6.300 khách hàng còn dư nợ. Thông qua các ứng dụng số của Ngân hàng CSXH, bà con chủ động nắm bắt thông tin về tiền gốc, lãi hàng tháng mà mình đã trả đến giai đoạn nào và còn cần thanh toán bao nhiêu để có kế hoạch chi trả cho thời gian tiếp theo. Điều này rất quan trọng vì người dân có thể tự kiểm soát vốn vay của mình, phòng tránh những thất thoát, rủi ro, hạn chế được việc chậm trễ trả gốc, lãi định kỳ. Về phía ngân hàng, việc tuyên truyền mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành được linh hoạt hơn, các thông tin nhanh chóng truyền tải, tiếp cận người dân.
Khi biết chiếc điện thoại thông minh cài được các ứng dụng công nghệ số của Ngân hàng CSXH, nhiều người dân đã chủ động tìm đến ngân hàng, nhờ cán bộ cài đặt và hướng dẫn sử dụng để thuận lợi hơn trong việc nắm bắt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình chính sách ưu đãi mà mình mong muốn. Những tiện ích mà anh Hà Mạnh Linh, anh Hà Xuân Đường cũng như các khách hàng đang thụ hưởng thời gian qua cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH là một bước tiến mới, phù hợp với mục tiêu của tài chính toàn diện. Đó là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương theo cách thức thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội.
Nâng cao trải nghiệm cho khách hàng
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và của ngân hàng cấp trên, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo, triển khai ứng dụng số nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số Quốc gia.Để việc thực hiện chuyển đổi số của hệ thống được hiệu quả, Ngân hàng CSXH đã triển khai nhiều chương trình tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách dành cho cán bộ tín dụng, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã và đội ngũ trưởng khu, tổ trưởng TK&VV… Trong đó tập trung tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến cài đặt, sử dụng các tiện ích trên thiết bị di động đối với các ứng dụng của Ngân hàng CSXH.
Qua tìm hiểu được biết, nhằm đẩy mạnh truyền thông các hoạt động của Ngân hàng CSXH trên các kênh đa nền tảng ứng dụng công nghệ số, thời gian qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai ứng dụng kênh thông tin Zalo của Ngân hàng CSXH trên phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu chung của kênh Zalo là nâng cao độ nhận diện thương hiệu Ngân hàng CSXH, gia tăng tính kết nối thông tin giữa ngân hàng và khách hàng, giúp khách hàng tra cứu, cập nhật thông tin hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, lãi suất, tra cứu vị trí chi nhánh, điểm giao dịch, lịch giao dịch xã và nhiều tiện ích khác như giáo dục tài chính, ngân hàng số, giải đáp thắc mắc, phản hồi ý kiến khách hàng…
Đặc biệt, tháng ba năm 2023, Ngân hàng CSXH đã chính thức triển khai sản phẩm dịch vụ Mobile Banking đến khách hàng. Dịch vụ này với giao diện dễ sử dụng, mang đến nhiều tiện lợi cho khách hàng, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng. Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại quầy, đồng thời khách hàng có thể sử dụng ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Điều này rất phù hợp với bà con thuộc đối tượng khách hàng nơi vùng sâu, vùng xa.
Huyện miền núi Tân Sơn mặc dù đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo song số vùng đặc biệt khó khăn còn khá nhiều, vì vậy đối tượng khách hàng vay chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, người cao tuổi… Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tăng Tiến Sỹ cho biết: Đơn vị đã tích cực triển khai các ứng dụng số tới người dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc thù địa phương; triển khai ứng dụng bắt đầu từ đội ngũ cán bộ ngân hàng CSXH, tiếp đó chuyển sang thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH, rồi đến cán bộ Hội, đoàn thể ủy thác các cấp và các tổ TK&VV. Sau khi trải nghiệm các tính năng trên ứng dụng, ngân hàng tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hàng vay vốn đăng ký dịch vụ, mở tài khoản, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, trực tiếp giải đáp cho khách hàng và xử lý các nghiệp vụ phát sinh theo quy định.
Theo thông tin từ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, sau thời gian triển khai, đến nay đã có gần 1.500 khách hàng vay vốn chính sách thực hiện giao dịch qua ứng dụng Mobile Banking và đã có hàng chục ngàn khách hàng cài đặt ứng dụng Zalo của Ngân hàng CSXH trên thiết bị di động.
Để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, đặc biệt coi việc triển khai ứng dụng Mobile Banking là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm, ông Trương Việt Phương – Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ngân hàng CSXH sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tế việc triển khai hướng dẫn đến Ban quản lý Tổ TK&VV, hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã cách thức đọc, hiểu nội dung tin nhắn cũng như hướng dẫn thực tế khách hàng đọc, hiểu nội dung tin nhắn do Ngân hàng CSXH gửi. Tiếp tục theo dõi, rà soát, kịp thời cập nhật số điện thoại của khách hàng khi có thay đổi, khách hàng mới chưa đăng ký dịch vụ. Định kỳ tại Điểm giao dịch xã hàng tháng, trong cuộc họp giao ban, tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa các ứng dụng số của Ngân hàng CSXH.
Đặc biệt, Ngân hàng CSXH tiếp tục thực hiện miễn 100% phí duy trì tài khoản và phí giao dịch khi sử dụng dịch vụ Mobile Banking đến hết ngày 31/12/2023. Việc thực hiện miễn phí này nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Ngân hàng CSXH, giúp cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quá trình giao dịch cho cán bộ và khách hàng.
Sưu tầm