Chuyển đổi số ở Thanh Sơn: Nỗ lực đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến hiện đang là phương thức quảng bá, tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Thời gian qua, huyện Thanh Sơn đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương lên các sàn TMĐT, từ đó giúp cho các nông sản của huyện có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, mở ra hướng đi mới bền vững cho các mặt hàng nông sản.

HTX dịch vụ nông nghiệp xã Cự Thắng đưa sản phẩm mỳ gạo lên sàn giao dịch TMĐT

Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tiếp cận và áp dụng phương thức bán hàng đa kênh thông qua TMĐT của huyện Thanh Sơn phải kể đến Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods (tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn) chuyên sản xuất các sản phẩm như thịt chua, nem sợi, cá thính, thịt thính. Công ty có quy mô tương đối lớn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động.

Thời gian qua, Công ty đã tận dụng lợi thế của TMĐT để quảng bá, marketing. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, phân phối hàng hóa vào hệ thống một số siêu thị lớn, mở các đại lý phân phối, Công ty thành lập website, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội như  Facebook, Zalo, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả. Cuối tháng 2/2023, tại buổi ký kết hợp tác chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) quốc gia giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok Việt Nam,  sản phẩm thịt chua Thanh Sơn của Trường food được giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên nền tảng TikTok. Qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển kinh doanh trên nền tảng số.

Mỳ gạo Cự Thắng là nghề sản xuất truyền thống đã có từ hơn 20 năm nay, tuy nhiên trước kia sản phẩm Mỳ gạo Cự Thắng của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cự Thắng chủ yếu sản suất theo hình thức thủ công, nhỏ lẻ, sản lượng chỉ đạt từ 800 đến 1 tấn/ngày, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương, còn lại số ít thông qua các kênh phân phối bán lẻ trong huyện nên hiệu quả kinh doanh chưa cao và chưa được nhiều người biết đến.

Với mong muốn nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cự Thắng đã liên kết các hộ sản xuất mỳ để quảng bá, mở rộng thị trường. Ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, HTX tập trung đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa các kênh bán hàng, đặc biệt việc đưa sản phẩm mỳ gạo lên sàn giao dịch TMĐT. Nhờ đó mà doanh số bán hàng ngày càng tăng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai – HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cự Thắng chia sẻ: Thời gian qua sản phẩm mỳ gạo của HTX đã được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, đưa sản phẩm mỳ gạo Cự Thắng lên sàn giao dịch điện tử. Từ khi đưa lên sàn giao dịch, sản lượng sản xuất mỳ tăng lên đáng kể, từ đó giúp cho bà con nhân dân có thêm việc làm, nguồn thu nhập ổn định hơn. Thực tế, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đã hỗ trợ tích cực cho HTX trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Từ khi tham gia sàn, sản lượng bán ra và doanh thu của HTX tăng lên đáng kể. Hiện nay, khách hàng có thể truy cập vào địa chỉ giaothuong.net.vn để mua và tìm hiểu về thông tin sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được các cơ quan nhà nước hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương lên sàn TMĐT để các sản phẩm này có cơ hội được vươn ra các thị trường lớn hơn.

Hiện nay, ngoài các sản phẩm thịt chua của Công ty Trường Food, HTX Thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Cự Thắng thì một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Thanh Sơn như: Rau sắn muối chua, măng giang muối chua của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Miếu… cũng được đưa lên sàn TMĐT để quảng bá, bán hàng. Đây là một kênh bán hàng hiệu quả khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sưu tầm 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments