Chuyển biến tích cực trong thực hiện Chuyển đổi số ở các cơ quan nhà nước

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng chính công nghệ số và nền tảng, dữ liệu số.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại thị xã Phú Thọ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến

Trong bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các huyện, thành, thị, năm 2022 là năm thứ 2 thị xã Phú Thọ liên tiếp là một trong 5 địa phương đứng ở vị trí đầu tiên. Các tiêu chí trong Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ Chuyển đổi số của thị xã đều tăng so với năm trước.

Đồng chí Nguyễn Công Huân – Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng mà thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đó là huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các xã, phường. Nội dung chuyển đổi số được thị xã tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao các tiêu chí còn đạt thấp như: Nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua tập huấn, đào tạo; nâng cấp hạ tầng mạng, hệ thống trang thiết bị, trang thông tin điện tử tại các xã, phường; đẩy mạnh số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện các giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt…

Hiện nay, hệ thống mạng nội bộ (LAN) của UBND thị xã Phú Thọ đã được lắp đặt đáp ứng tốt cho việc kết nối giữa các thiết bị và chia sẻ dữ liệu chung; hoàn thành kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh (WAN). Thị xã Phú Thọ là một trong số ít địa phương bố trí được 2 công chức chuyên trách về công nghệ thông tin cấp huyện; mỗi xã, phường bố trí được 1 cán bộ phụ trách lĩnh vực CNTT, trong đó 100% cán bộ đạt trình độ đại học trở lên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả. Đến nay, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thị xã Phú Thọ và 100% Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, phường đã triển khai sử dụng thu phí và lệ phí bằng hoá đơn điện tử, triển khai hướng dẫn nhân dân thực hiện việc thanh toán không tiền mặt. Năm 2022, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC cấp huyện đạt 97,4%; cấp xã đạt 35,4%.

Cùng với thị xã Phú Thọ, Cục Thuế tỉnh là đơn vị 2 năm liên tiếp dẫn đầu bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các sở, ban, ngành. Riêng trong năm 2022, ngành Thuế đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện cải cách TTHC, nhất là việc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp mã số thuế tự động ngay trong ngày làm việc cho người nộp thuế (NNT)… Qua đó góp phần tiết giảm thời gian làm thủ tục về thuế cho NNT từ 537 giờ xuống còn 117, giảm 420 giờ so với trước. Đến nay, 100% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng Internet, trên 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 100% các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử theo quy định.

Cục Thuế đã thành lập Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử và tổng đài hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và NNT gồm 20 thành viên và công khai 10 số điện thoại đường dây nóng của Văn phòng Cục và Chi cục Thuế các huyện, thành, thị để hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc của tổ chức, doanh nghiệp và NNT trong quá trình triển khai.

Nhân viên VNPT hỗ trợ phần mềm truyền dẫn cho khách hàng sử dụng HĐĐT của Cục Thuế tỉnh

Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vào cuộc một cách tích cực với quyết tâm cao, xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về nhân lực, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cần triển khai có tính sát thực và phù hợp. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm, ban hành các văn bản chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm. 

Nếu như trước đây, tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, việc triển khai hạ tầng số, các hoạt động chính quyền số còn những hạn chế như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ, xuống cấp; các đơn vị, địa phương mới chỉ phát triển các ứng dụng đơn giản, nội bộ, chưa có sự liên thông, kết nối đồng bộ; trình độ CNTT của người dân còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến cấp xã còn đạt thấp… Đến nay, hạ tầng số của các đơn vị, địa phương đã được cải thiện, đầu tư nâng cấp đồng bộ giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường chỉ đạo, triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống hội nghị trực tuyến… ; triển khai các nền tảng chuyển đổi số để phục vụ công tác điều hành của các cấp chính quyền và giải quyết hoạt động chuyên môn được nhanh chóng, chính xác, hiệu lực, hiệu quả hơn. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, xã nỗ lực triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thành lập các bộ phận thường xuyên giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Các sở, ngành của tỉnh tích cực triển khai các giải pháp, tổ chức ra quân hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử, kho bạc điện tử, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng… đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin Quốc gia. Bên cạnh đó, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số.

Nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, hệ thống ngân hàng hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử, thực hiện giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ khám, chữa bệnh; thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; nộp học phí tại các trường học… giúp người dân dần thay đổi về nhận thức, trở thành những nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Ông Lê Phú Hà – Chủ tịch UBND xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ cho biết: Việc chuyển đổi số đã được xã xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ xã đến khu dân cư đều phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số. Cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hợp tác xã và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận trong xã hội và hệ thống chính trị. Hiện nay xã đang tiến hành các bước tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, đây là lực lượng chủ chốt trong tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân áp dụng công nghệ số.

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước. Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tiếp tục đề ra các giải pháp để cải thiện các tiêu chí trong Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đầu tư hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, số hóa dữ liệu, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu…, phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và người dân bằng hình thức cầm tay chỉ việc, mắc đến đâu gỡ đến đấy để giải quyết triệt để những vướng mắc liên quan đến quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi mạnh mẽ về lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Sưu tầm 

 

FACEBOOK
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Theo dõi
Notify of
guest
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments